TP – Gần 20 năm qua trong tư thế treo chân trên nạng, tì ngực vào hòm, Trần Văn Thước lặng lẽ đứng viết. Cái bàn viết của Thước cũng thuộc loại độc nhất vô nhị, đó là mặt một cái hòm gỗ tạp không quá 40 cm2 đen nhẻm màu thời gian.

*
Nhà văn Trần Văn Thước

Tai nạn ngáng giữa đời người

Rời mái trường kỹ thuật đường sắt, chàng trai quê biển Tiền Châu về làm thợ nguội nhà máy toa xe Hữu Nghị Bắc Thái. Năm 1979, định mệnh khắc nghiệt giáng xuống đời Thước.

Một lần đang tham gia thi công công trình, Trần Văn Thước bị một chiếc sà sắt từ trên cao rơi cắt vào thắt lưng làm gãy cột sống, liệt tuỷ, liệt toàn bộ 1/2 cơ thể.

Trần Văn Thước đã phải nằm viện đằng đẵng 6 năm trời với 2.000 ngày đêm. Bản giám định thương tật kết luận: Thước bị mất 82% sức khoẻ, hạng thương tật 1/4. Sau 14 năm rời cánh đồng đất biển mặn mòi, nay lại tha về cho cha mẹ, vợ con tấm thân tàn ma dại.

Thước tuổi Giáp Ngọ – ngựa mà hỏng cả hai chân, bại liệt nửa người thì hỏi còn chạy làm sao? Con ngựa này còn khổ hơn thế ! Từ thắt lưng trở xuống mỗi ngày một teo tóp. Thước phải dùng vải cuốn từ gót đến háng rồi dùng hai nẹp sắt buộc lại thành hai cái “chân vải”.

Bạn đang xem: Trần văn thước

Muốn đứng dậy phải đu cả người trên đôi nạng gỗ. Chưa kể một nỗi khổ quái ác trong sinh hoạt cá nhân, như Thước nói vui là “ luôn luôn trong trạng thái “ ô-tô-ma-tíc”- tự động hoàn toàn(!). Không thể diễn tả hết nỗi khổ ải của Thước sau tai nạn ngáng giữa đời người này!

Dù là một con người tàn phế thì vẫn phải sống, nghĩa là phải kiếm sống. Nhưng một người như Thước kiếm sống bằng cách nào? Cuối cùng anh mở một chiếc quán nhỏ bán hàng vặt vãnh phục vụ cuộc sống thường ngày của bà con nông dân.

Điếu thuốc lào, bao diêm, gói tăm, lạng bánh đa, chiếc bút chì, cái thước kẻ, quyển vở, thếp giấy, điếu thuốc lá, túi kẹo, cân đường, gói xà phòng… Mặt tiền quán chỉ là một lỗ vuông nhỏ trổ ra con đường heo hút cuối làng.

Chiếc quán nhỏ là sự sinh nhai, là cầu nối một con người tàn tật với cuộc sống âm thầm, sôi động của một vùng quê. Thước có tam khoái: Hút thuốc lào, uống nước chè và chơi cờ tướng. Đây cũng là nét văn hoá làng quê đồng bằng Việt Nam mình.

Xem thêm: Trần Tuấn Duy Người Ấy Là Ai Tựa Nam Thần Của Nam Chính Trong Mv Phạm Quỳnh Anh

Hương chè xanh, chất say say thuốc và cuộc đấu cờ tướng làm cho Thước thêm bao bè bạn, nghe được chuyện vui buồn làng quê gần xa mà Thước không thể nào đi đến được. Ngay từ những năm vật lộn trên các công trường, Trần Văn Thước đã đến với văn chương.

Nhưng phải từ sau cái tai nạn trời giáng kia và trở về sống liệt vị giữa làng quê thì cái khả năng tưởng tượng phong phú cùng với niềm đam mê văn học, tình yêu quê hương nhọc nhằn gian khó mới đưa Thước đến vào cuộc chiến đấu trên từng trang viết, dồn tâm huyết cho văn chương. Và văn chương đã trở thành cứu cánh cho một số phận bất hạnh!

Một nhà văn đứng viết

L. Tôn-xtôi từng nói sáng tác văn học là một sự tự đầy đọa, thì với Trần Văn Thước phải nhân đôi sự tự đầy đọa này lên. Thước không tự đứng được mà khi đứng phải đu mình, treo mình trên chiếc nạng gỗ.

Thước không thể ngồi lâu quá 15 phút và cũng không thể đứng lâu hơn 15 phút. Suốt ngày một nhịp điệu đứng lên, ngồi xuống, nằm xuống… cứ đều đặn lặp đi lặp lại.

Gần 20 năm qua trong tư thế treo chân trên nạng, tì ngực vào hòm, Trần Văn Thước lặng lẽ đứng viết. Cái bàn viết của Thước cũng thuộc loại độc nhất vô nhị, đó là mặt một cái hòm gỗ tạp không quá 40 cm2 đen nhẻm màu thời gian.

Vừa viết vừa phải bán hàng – theo Thước hai công việc này thì bán hàng là nhiệm vụ chính. Ngồi với Trần Văn Thước hơn một tiếng đồng hồ mà tôi thấy anh luôn tay. Lúc thì cháu mua mấy gói mì tôm, gói dầu gội đầu, gói bim bim…

Thế mà gần 20 năm qua, Trần Văn Thước vừa kiếm sống, vừa sáng tác 6 tập truyện ngắn, 2 tiểu thuyết, hàng trăm bài bút ký và “chuyện kể ở đại đội”.

Là dân ít nhiều dính dáng đến văn chương báo chí nên tôi càng khâm phục về nghị lực, cường độ lao động và tài năng của Trần Văn Thước… Tất cả hàng ngàn, hàng ngàn trang viết đều được Thước viết bằng tay trên vở giấy thếp.

Ôm trùm lên các tác phẩm của Trần Văn Thước là cuộc sống bộn bề phong phú phức tạp ở làng quê đồng bằng Bắc bộ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ và xây dựng đất nước.

Lật từng trang viết của Trần Văn Thước như thấy cả “hội làng” của những buồn vui, sướng, khổ, khát vọng, chán chường, yêu thương, thù hận, hủ tục, tiến bộ, bi kịch, hạnh phúc, tốt, xấu…

Như bắt gặp tất cả những lớp người quần tụ ở làng quê, ông chủ tịch xã, xã đội trưởng, những người mẹ, những lão làng, những cựu chiến binh, những chàng tân binh, những chủ trang trại, cô gái tuổi cập kê, thầy cúng, thầy bói, người buôn bán…

Trong các mối quan hệ dằng dịt huyết thống, làng xóm, đồng đội, lệ làng, luật pháp… Không hiểu Trần Văn Thước đã lấy ở đâu ra lắm chuyện thế? Nhất là chuyện chiến tranh, chiến trường. Đến nỗi đọc tác phẩm của Thước đại tá nhà văn Nam Hà tưởng Thước là thương binh bộ đội đã gửi hồ sơ về để Thước làm kỷ yếu nhà văn Quân đội!

Hàng chục truyện ngắn của Thước như “Tháng ba thương mến”, “Miền ký ức”, “Sinh vào đêm trăng sáng”, “Hôm qua, hôm nay”, “Hiện thực huyền ảo”, “Mặt trời mười chín tuổi”… được tuyển chọn trong các tập truyện ngắn đặc sắc Việt Nam, được bạn đọc khen hay.

Truyện ngắn “Hôm qua hôm nay” giải nhì tạp chí VNQĐ có cái nhìn quá khứ rất điềm tĩnh, phê phán loại người vì thành tích, vì chiến thắng mà bất chấp tất cả, thậm chí cả hy sinh !

Truyện ngắn “Hiện thực huyền ảo” là một truyện có cái nhìn nghiêm túc về đề tài chiến tranh. Chuyện kể do chỉ huy tin vào trinh sát ẩu dẫn đến trận đánh thất bại, hy sinh quá nhiều.

Trong đó có 2 người lính hy sinh, một người bị bắn thủng tai và một người bị hỏng cả hai mắt lại được người lính ngụy lôi vào rừng chôn cất tử tế. Vì vậy hai linh hồn ấy nương tựa bổ sung cho nhau để nhìn, nghe cuộc đời.

Xem thêm: Nhạc Sĩ Hàn Châu: ‘Nhiều Bài Nhạc Không Có Văn Hóa Nhưng Vẫn Có Người Thích”

Kẻ trinh sát ẩu sau giả vờ bị thương, xoay xở học hành rồi leo lên đến chức Phó chủ tịch tỉnh. Kẻ đó biết rõ chỗ đồng đội nằm nhưng không đi tìm.

Hai linh hồn ấy đã nhập vào các nơi kể cả vào tận trong đầu Phó chủ tịch tỉnh trên và đọc lên nhưng suy nghĩ tăm tối của “xếp” này như nịnh hót, trù dập, tham nhũng, gái gú…

Truyện “Sinh vào đêm trăng sáng” kể lại một thanh niên tên là Đoàng con nhà địa chủ, tình nguyện đi bộ đội. Chiến đấu dũng cảm và bị thương . Đoàng về quê thì mẹ chết và có một cô gái làng nết na đem lòng thương mến.

Mối tình của Đoàng với cô gái làng dạt dào như dòng sông ven làng. Nhưng Đoàng đã chạy trốn tình yêu vì vết thương quái ác đã cướp đi của anh cả hạnh phúc và tương lai. Người con gái thất tình phẫn chí đi tu.

Đoàng lên miền ngược làm công nhân lâm trường. Lâm trường giảm biên, Đoàng lại quay về quê, giúp người yêu cũ tìm được đứa em nghiện ngập. Và trong đêm mưa bão khi lao ra cứu một cô bé, Đoàng đã ra đi vĩnh viễn.

Truyện ngắn “Mặt trời mười chín tuổi” lại kể về một thiên tình ca giữa cô gái hàng sáo ở quê ra yêu chàng trai phố. Tình yêu của họ thướt tha, vấn vít như rặng liễu bên hồ Tây Hà Nội.

Chàng trai lên đường đánh giặc và đã hy sinh. Cô gái lại trở về quê sống với những kỷ niệm ngọt ngào của mối tình đầu…

Trần Văn Thước đặc biệt đi sâu vào lớp trẻ ở làng quê trong thời kỳ đổi mới qua hai tiểu thuyết “Mùa yêu” và “Trai làng”. Một lớp trẻ năng động dám nghĩ dám làm trong thời kỳ đổi mới, nhất là làm ăn kinh tế. Một lớp trẻ cũng cần được cảnh báo nguy cơ lối sống buông thả, đánh rơi những thuần phong mỹ tục, nền nếp gia phong.

Trong “Mùa yêu” còn có những đoạn cảnh nhìn về sự mất mát quá lớn của chiến tranh. Trong một cái làng nhỏ, máy bay chỉ bay qua, bom nổ tận đâu đâu, dân quân bắn vãi đạn lên trời, thế mà cũng chết nhiều lắm.

Nhiều kiểu chết, người ra chiến trường hy sinh, người lo nghĩ sợ con lớn phải đi bộ đội sinh ốm mà chết, người buồn phiền đau khổ vì tin đồn con đảo ngũ, tin đồn con theo giặc rồi cũng lăn ra ốm mà chết.

Quả thật tác giả có những góc nhìn gần hơn cụ thể hơn, khác hơn về chiến tranh từ đó ngầm lên án những kẻ xâm lược, gây chiến tranh mất mát cho dân tộc Việt Nam.

Những ai đã đọc truyện ngắn, tiểu thuyết, bút ký của Trần Văn Thước đều cảm thấy tác giả này có khiếu, có duyên kể chuyện, đặc biệt là trí tưởng tượng. Sự tưởng tượng trên nền của hiện thực.

Hình ảnh, dữ liệu lời thoại đậm đà, dân dã, mộc mạc như con người nhà quê, như củ khoai, hạt lúa nhưng lại đan dày chằng chịt các mối quan hệ hậu phương tiền tuyến, chiến tranh và hoà bình, người lính và làng quê, chính quyền và người dân, lớp trẻ với lớp người đi trước, đổi mới và bảo thủ… vì thế đã tạo ra một trường hiện thực đa tầng, đa chiều, cuốn hút người đọc.

Nhà văn tật nguyền Trần Văn Thước đã lập được một bộ giải thưởng khá đồ sộ mà nhiều người cầm bút lành lặn hẳn hoi còn mơ: Tặng thưởng văn học nghệ thuật của UB toàn quốc LHCHVHNT Việt Nam; Giải Nhì bút ký; giải Ba truyện ngắn Báo Văn nghệ; Giải Nhì truyện ngắn Tạp chí VNQĐ; Giải thưởng báo Tiền phong “Sáng tác văn học Tầm nhìn thế kỷ”; Giải truyện ngắn Tạp chí cửa Việt; 2 giải thưởng văn học Lê Quý Đôn, 4 bằng khen của UBND tỉnh Thái Bình.

Đặc biệt năm 1999, Trần Văn Thước- con người tàn tật mấy chục năm ru rú ở một làng quê heo hút đồng bằng Bắc bộ đã trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.

Vậy mà Trần Văn Thước đã tự bạch : “Cha mẹ tôi là nông dân. Tôi cày bừa thông thạo vác đất rất khoẻ. So với bạn bè trang lứa, tôi thua thiệt sự học hành nhưng trội hơn trong khi đánh dậm, đun te. Nếu có cuộc thi đánh dậm tôi thi “chơi chơi” cũng đoạt từ giải nhì trở lên.

Nghề đánh dậm, đun te, thầy bói, thầy cúng đã vẫn gắn bó với đời sống làng quê. Tôi rất vụng về trong giao tiếp, ăn nói. Nghĩ trong đầu, viết ra giấy thì còn được. Tôi rất buồn vì chưa đủ tài viết nhiều về nông dân, nông thôn”. Sự khiêm tốn dân dã cùng nỗi buồn nhân văn này sao không đáng để chúng ta suy nghĩ ?

Thái Bình có hai hội viên Hội nhà văn Việt Nam cùng cảnh ngộ tật nguyền thân thiết nhau – một người là nhà văn đứng viết Trần Văn Thước và một người là nhà thơ nằm viết Đỗ Trọng Khơi. Cũng như Đỗ Trọng Khơi, Trần Văn Thước là một tấm gương sáng về nghị lực và tinh thần lao động nghệ thuật. Họ cho chúng ta nhận biết thêm về sức mạnh tinh thần tiềm ẩn trong mỗi một con người…