*

CUỘC ĐỜI VÀ SỰ NGHIỆP HUỲNH VĂN NGHỆ

* Lê Thị Thanh Hải

Ông Huỳnh Văn Nghệ bí danh Hoàng Hồ, sinh ngày 02 tháng 01 năm 1914, tại làng Tân Tịch, huyện Tân Uyên, tỉnh Biên Hòa, nay là xã Thường Tân, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương.

Huỳnh Văn Nghệ vốn là một đứa trẻ thông minh, lớn lên trong vùng quê nghèo nhưng giàu truyền thống chống giặc ngoại xâm. Người cậu thứ mười từng tham gia phong trào Thiên Địa hội. Cha là thầy dạy võ nghĩa khí can cường. Tuy trong thời Pháp thuộc bị quan làng nghiêm cấm, nhưng cha ông vẫn bí mật truyền dạy cho thanh niên trong làng và thường bảo vệ người cô thế, chống áp bức bất công. Mẹ ông là người phụ nữ diệu hiền, tảo tần buôn bán, biết nhiều chuyện về cuộc chiến đấu của nghĩa quân Tân Uyên chống giặc Tây khi chúng mới xâm chiếm nước ta, đêm đêm bà thường kể lại cho anh chị em Huỳnh Văn Nghệ nghe. Hấp thu nền giáo dục tốt đẹp của gia đình và chứng kiến cảnh nghèo khổ của gia đình mình, của hầu hết bà con bản quán đã thường bị bọn quan làng ức hiếp rất tủi nhục, bản thân tuổi thơ Nghệ cũng bị thầy giáo làng hành hạ, chỉ vì cái tội nhà nghèo, phải mặc quần áo rách đi học. Từ đó, Huỳnh Văn Nghệ đã có chí hướng chống đối bất công, đã trốn học để không bị thầy giáo bắt quỳ gối, đánh đòn; đã dám đứng ra lập trận, đốc thúc trẻ chăn trâu làm “nghĩa quân” chọi đất sét ướt, đánh đổi “giặc Tây” (thầy giáo làng và số học sinh đi tìm bắt mấy trò trốn học).

Sau khi cha ông bị tai nạn, qua đời, Huỳnh Văn Nghệ học rất giỏi, được học bổng tại trường Trung học Pétrus Ký Sài Gòn; tại đây, từ năm 1932, với thiên hướng đi theo con đường của những người dám hy sinh thân mình, “Giữa đường thấy chuyện bất bình mà cam” (1) tìm cách giúp đỡ, bênh vực người nghèo khó, chống giặc Pháp xâm lược và bọn quan làng tay sai. Cùng với sự ủy thác, mong mỏi của người anh ruột, Huỳnh Văn Nghệ đã tích cực tìm kiếm và đã may mắn gặp được người nữ Đảng viên Cộng sản, được nghe tuyên truyền về Đảng Cộng sản Đông Dương, được Đảng giác ngộ, tham gia vào các hoạt động do Đảng lãnh đạo.

Năm 1936 – 1939, Huỳnh Văn Nghệ tham gia phong trào Đông Dương Đại hội ở Sở Xe lửa Sài Gòn. Năm 1940 ông tham gia khởi nghĩa Nam kỳ, sau khi cuộc khởi nghĩa thất bại, giặc Pháp đàn áp những người Cộng sản, một số đồng chí rút về rừng Tân Uyên tránh giặc Pháp khủng bố, Huỳnh Văn Nghệ lo việc tiếp tế đạn dược, thuốc men cho đồng chí này. Năm 1942, bị lộ, Huỳnh Văn Nghệ phải trốn sang Thái Lan ông tổ chức sản xuất tờ báo Hồn cố hương, kêu gọi tinh thần hướng về Tổ quốc, ủng hộ cách mạng kiều bào.

Năm 1944, Huỳnh Văn Nghệ về nước, bắt được liên lạc với cách mạng, được đồng chí Trần Văn Giàu, Bí thư Xứ ủy Nam kỳ phân công lập căn cứ quân sự cho cách mạng tại Tân Uyên, Biên Hòa. Huỳnh Văn Nghệ đã lập được khu nghĩa quân Đất Cuốc tại Tân Uyên.

Ngay sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Huỳnh Văn Nghệ cùng đồng chí Nguyễn Văn Giỏi nhận lệnh của Ủy ban Kháng chiến Hành chánh Nam bộ, đã bắt sống được Dương Văn Giáo, một tên Việt gian thân Nhật, tự xưng là thủ tướng Chính phủ lâm thời Cộng hòa Việt Nam bù nhìn đầu tiên của giặc sau ngày Nam bộ kháng chiến. Giáo bị xử tử, Chính phủ của Giáo tan rã.

Tại Hội nghị Chợ Đệm, Ủy ban Nhân dân Nam bộ bổ nhiệm Huỳnh Văn Nghệ làm cố vấn cho Ủy ban Kháng chiến miền Đông. Mặc dù Ủy ban nầy đẫ rút lui trước về Biên Hòa, Xuân Lộc cùng với nhiều lực lượng như Đệ Nhị sư đoàn, Cộng hòa vệ binh, Bộ đội Nam Long, nhưng khi giặc Pháp lấn chiếm ra các vùng ngoại vi Sài Gòn – Gia Định, ông đã ở lại tham gia chiến đấu chống giặc với bộ đội ở các mặt trận Sài Gòn – Chợ Lớn, ở mặt trận Thị Nghè, ở đường số 1 từ Sài Gòn về Biên Hòa, ở cầu Băng Ky, Bình Lợi, Thủ Đức…, chận từng bước tiến của giặc về miền Đông Nam bộ. Sau đó, ông đã xin chỉ thị của đồng chí Dương Bạch Mai, Thanh tra chính trị miền Đông, tổ chức đốt tòa bố, sở cò, bưu điện Biên Hòa, thu 23 khẩu súng trường đem về Tân Uyên xây dựng lực lượng.

Tại Tân Uyên, Huỳnh Văn Nghệ xây dựng Bộ đội đầu tiên của tỉnh, lấy tên là Giải phóng quân Biên Hòa, được đồng chí Thanh tra chính trị miền Đông Dương Bạch Mai chỉ định làm chỉ huy trưởng. Căn cứ Tân Uyên được ông bố trí phòng ngự vững chắc, vận động nuôi ăn cho đơn vị tỉnh và bộ đội các tỉnh bạn về đây theo lệnh của Khu trưởng Nguyễn Bình, bảo vệ Khu bộ, tiếp liệu cho các công binh xưởng của khu. Không bao lâu, Tân Uyên trở thành một trong những căn cứ vững mạnh nhất ở Nam bộ.

Tháng 2/1946, Huỳnh Văn Nghệ tham gia trận Tân Uyên, trực tiếp chỉ huy mặt trận Tân Tịch – lạc An, vừa chỉ đạo việc tiếp tế lương thực, đạn dược cho toàn mặt trận gồm hơn 5.000 người, đánh suốt hai ngày đêm. Kết quả đánh lui thủy lục không quân địch, làm chúng không chiếm được Tân Uyên mà phải bỏ lại nhiều xác chết và hai tàu bị ta đánh chìm. Sau đó, ông được Khu trưởng Nguyễn Bình chỉ định làm Chi đội trưởng Chi đội 10.

Tháng 3/1946, Huỳnh Văn Nghệ chỉ huy một trận tiêu diệt một đại đội địch, bắn rơi một máy bay, giết được một tên quan năm không quân Barlier, đây là chiếc máy bay đầu tiên của địch bị ta hạ ở Nam bộ. Sau trận nầy địch mới chịu mở hội nghị bàn về việc thi hành Hiệp ước Sơ bộ 6/3 ở Nam bộ, ông được cử đi dự Hội nghị và làm tròn nhiệm vụ.

Đầu năm 1948, Huỳnh Văn Nghệ chỉ huy trung đoàn chiến đấu, tham gia trận chống càn chiến khu Đ, chống với hơn 5.000 quân địch gồm cả thủy lục không quân phối hợp nhảy dù lần đầu tiên vào căn cứ. Suốt một tuần lễ chiến đấu, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, bảo toàn lực lượng ta và đồng bào. Quân dân ta phấn khởi, không sợ bọn nhảy dù nữa.

Tháng 7/948, thi hành lệnh của Ủy ban Kháng chiến Hành chánh Nam bộ, trong một hoàn cảnh hết sức nguy hiểm, Huỳnh Văn Nghệ một mình đích thân đến căn cứ Bình Xuyên, dùng lý lẽ và tình cảm, thuyết phục được Lê Văn Viễn (tức Bảy Viễn) về Nam bộ dự hội nghị, giúp Xứ ủy và Ủy ban Kháng chiến Hành chánh Nam bộ giải quyết được vấn đề Bình Xuyên là vấn đề gay go nhất lúc đó.

Sau tháng 7/1948, Huỳnh Văn Nghệ nhận nhiệm vụ Khu Trưởng Khu 7, cùng Chính ủy Khu 7 Nguyễn Văn Trí xây dựng căn cứ mới của Khu, thành lập Bộ đội chỉ lực Khu 7, lấy tên là Bộ đội 303. Năm 1949, khi phát hiện một du kích đánh được tháp canh của địch, nghiên cứu sáng kiến cách đánh tháp canh này của du kích, ông phát triển chiến thuật, và Tham mưu trưởng Khu 7 Nguyễn Văn Lung (Ba Lung) phân công đồng Lê Quang Nghiêm tức họa sĩ Lê Du cùng với hai đồng chí cán bộ tham mưu Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Soái và Hoàng Trọng Đức điều nghiên, vẽ sơ đồ hệ thống tháp canh De La Tour, phục vụ Bộ Tư lệnh tổ chức trận đánh đầu tiên ở Biên Hòa, hạ 30 tháp canh trong một đêm. Kết quả giết được nhiều địch, thu nhiều vũ khí. Sau đó ông đã phổ biến kỹ chiến thuật đánh tháp canh cho khắp các tỉnh ở Nam bộ, Liên khu 5 và Cao Miên, đập tan sáng kiến chiến lược tháp canh De La Tour của Tương De La Tour và giải quyết được sự bế tắt chiến thuật của Khu 7 lúc đó.

Năm 1950, sau khi sát nhập khu Sài Gòn – Chợ Lớn vào khu 7, Huỳnh Văn Nghệ là Phó Tư lệnh, bộ Tư lệnh Khu 7, đồng thời là Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy kiêm Tỉnh đội trưởng Thủ Biên. Ông đã thành lập chủ lực tỉnh, phát động phong trào đánh địch, bằng hầm chông. Tháng 7 năm 1951, ông chỉ huy chiến đấu tiêu diệt Sở Chỉ huy khu vực (Poste Commandement quartier) Trảng Bom, thu toàn bộ vũ khí, đánh lui các cuocj tiếp viện của địc từ Biên Hòa, Xuân Lộc, làm chủ tình hình suốt đêm tại một thị trấn trên đường số 1 gồm 7.000 dân. Đây là trận đầu tiên tiêu diệt trung đoàn bộ binh thuộc địa (Régiment Infanterie Coloniale) của quân chính quy địch ở Nam bộ.

Bạn đang xem: Star

Xem thêm: Đạo Diễn Vũ Thành Vinh Kể Chuyện Giành Sự Sống Trước Cửa Tử, Đạo Diễn Vũ Thành Vinh

Xem thêm:

Trong thời gian Bộ Tư lệnh Nam bộ và các binh công xưởng Nam bộ đóng ở chiến khu Đ, địch tập trung lực lượng tấn công liên tục, Huỳnh Văn Nghệ đều chỉ huy lực lượng của tỉnh chiến đấu có kết quả, bảo vệ an toàn Bộ Tư lệnh Nam bộ và các binh công xưởng Nam bộ. Có một trận dùng 20 xe thiết giáp tấn công vào chiến khu Đ, bị ta hạ 8 chiếc, địch phải rút lui lập tức, từ đó không dám dùng chiến thuật này nữa.

Trong năm 1952 – năm Nhâm Thìn bão lụt lớn nhất ở Nam bộ thời ấy, ông chỉ huy chống lụt ở Thủ Biên, bảo vệ được bộ đội và dân. Sau trận bão lụt, lợi dụng tình thế khó khăn của quân dân ta, địch gom lực lượng toàn Nam bộ với 11 tiểu đoàn tấn công vào chiếc khu Đ. Lực lượng của tỉnh chỉ có 1 tiểu đoàn nhưng Huỳnh Văn Nghệ đã tài tình chỉ huy chiến đấu suốt 52 ngày, tiêu diệt gần 1 tiểu đoàn địch, chúng không thực hiện được âm mưu gom dân ra thành và tiêu diệt lực lượng ta.

Từ tháng 5 năm 1953, Huỳnh Văn Nghệ được lệnh làm trưởng đoàn một đoàn cán bộ cao cấp từ chiến khu Đ ra Trung ương học. Sau đó ông ở lại miền Bắc công tác gần 12, làm Trưởng phòng Thể dục Thể thao – Cục Phó Cục Quân huấn Bộ Tổng Tham mưu; Tổng Cục Phó Tổng cục Lâm nghiệp.

Từ năm 1965, Huỳnh Văn Nghệ được điều động trở về Nam bộ, lần lượt giữ các chức vụ: Trưởng ban Căn cứ Trung ương cục miền Nam, Phó Bí thư Đảng ủy Căn cứ Trung ương cục miền Nam, Phó ban Kinh tài Trung ương cục miền Nam, Trưởng ban Lâm nghiệp Trung ương cục miền Nam.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Huỳnh Văn Nghệ giữ chức Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp miền Nam, Thứ trưởng Bộ Lâm nghiệp, ủy viên Đảng đoàn Bộ Lâm nghiệp.

Ngày mùng 5 tháng 3 năm 1977, Huỳnh Văn Nghệ lâm bệnh nặng, ông đã mất tại bệnh viện Thống Nhất, thành phố Hồ Chí Minh, thọ 63 tuổi.

Huỳnh Văn Nghệ đã “qua bến, lên đường” (2), nhưng mãi mãi ông còn để lại cho người đời ngưỡng mộ, lòng kính yêu. Sinh thời ông còn tham gia hoạt động báo chí, văn hóa, văn nghệ, sáng tác thơ, văn động viên cuộc chiến đấu của nhân dân, kiều bào ở Thái Lan, chiến sĩ trong chiến khu. Ông cũng lưu lại một số tác phẩm văn, thơ, tuy không nhiều nhưng giúp chúng ta hiểu thêm về quê hương, gia đình, cuộc đời binh nghiệp, văn nghiệp của ông; hiểu thêm một phần cuộc chiến đấu gian khổ, trường kỳ, oanh liệt của nhân dân ở một góc vùng đất đỏ Đông Nam Bộ, như “Quê hương rừng thẳm sông dài, Những ngày sóng gió, Anh chín Quỳ, Trận mãng xà, Sáu đỏ mũi, Tiếng hát trên sông Đồng Nai, Chùa Ông Mõ, Mất đồn Mỹ Lộc (văn); Mộng làm thơ, Đám ma nghèo, Trăng lên, Trốn học, Tết quê người, Bốn mùa, Trả lời thơ Lan, Bến cũ, Bà bán cau, Thú tội, Mộ bia, Lời chim, Sông Đồng Nai, Bên bờ sông xanh, Mất Tân Uyên, Xuân chiến khu, Mẹ Nam con Bắc, Tiếng hát giữa rừng, Nhớ Bắc, Bà Mẹ Việt Nam, Rừng nhớ người đi, Em bé liên lạc, Cái chết của anh Xiễng, Tình súng, Chiến khu Đ chống bão, Giữ bí mật, Hình ảnh Bác Hồ trong Nam bộ, Trở về, Rừng đẹp, Một trận chống càn,…và những bài hồi ký đăng trên báo Quân đội nhân dân, Văn nghệ Quân đội, các bài viết cho Đài tiếng nói Việt Nam…

Cuộc đời và sự nghiệp Huỳnh Văn Nghệ trải dài qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, nhưng có lẽ quảng đời binh nghiệp trong thời kỳ 9 năm kháng chiến chống Pháp của ông gắn bó với chiến khu Đ là oai hùng, rạng rỡ nhất. Một Huỳnh Văn Nghệ nhà thơ, chiến sĩ, với trái tim thiết tha yêu thương từng sinh mạng con người, yêu thương cùng tấc đất, con đường từng xóm làng quê hương; Một Huỳnh Văn Nghệ với lòng căm thù giặc sâu sắc, đã đồng cam cộng khổ cùng đồng bào, đồng chí chiến đấu như một nghĩa quân trên từng mặt trận ngăn chống giặc Pháp khi kẻ thù xâm lược tiến đánh ra ngoại vi Sài Gòn, đã gom góp toàn quân bởi buổi đầu quân dân ta sức yếu thế cô, bị giặc Pháp tàn sát, để xây dựng lực lượng vũ trang, đã sáng suốt xây dựng căn cứ kháng chiến từ quê nhà Tân Uyên, Biên Hòa, một vùng đất có nhiều ưu thế về điều kiện tự nhiên, nơi có vị trí chiến lược quan trọng, nhân dân có truyền thống kháng chiến, đến xây dựng căn cứ kháng chiến liên tỉnh Thủ Biên, căn cứ kháng chiến Khu 7, tham gia xây dựng căn cứ kháng chiến chiến khu Đ, tham gia cùng lãnh đạo tỉnh Biên Hòa, Bộ Tư lệnh Khu 7 xây dựng lực lượng vũ trang với ba thứ quân: chủ lực, địa phương và dân quân du kích, chỉ huy bộ đội chiến đấu chống giặc Pháp vô cùng anh dũng trên khắp chiến trường miền Đông Nam bộ. Từ thực tiễn sáng tạo đã đúc kết nhiều bài học đầu tiên cho quân đội về các chiến thuật tác chiến, lập nhiều thành tích vẽ vang. Một Huỳnh Văn Nghệ dũng tướng, sống có tình, có nghĩa với gia đình anh em đồng chí, trước sự quả cảm, kiên cường chịu đau của chiến sĩ mình trong hoàn cảnh cách mạng

Khó khăn thiếu thốn, khi phải cưa bỏ cái chân bị thương bằng cưa thợ mộc, đã:

“Trở lên mình ngựa đi từng bước

Cúi đầu nén nỗi đau thương

Nhưng lửa căm hờn

Bổng dựng cao đầu ngựa dậy

Vang trời ngựa hí

Chí phục thù cháy bỏng tay cương” (3)

Một Huỳnh Văn Nghệ mưu lược, văn võ song toàn, xông pha trận mạc, tả xung, hữu đột, quân thù nghe danh bạt vía kinh hồn nhưng đồng chí, đồng bào, đồng đội luôn luôn hướng về ông với lòng yêu thương, cảm phục và đồng chí, đồng đội vẫn thân thiết gọi anh là anh Tám Nghệ. Bởi lẽ, cuộc đời ông đã khắc họa trong lòng nhân dân Nam bộ một hình ảnh tuyệt đẹp của viên dũng tướng thi nhân. Tới nay chưa rõ Nhà Nước và Quân đội có phong hàm cấp Tướng cho ông hay không (4) nhưng người dân Nam bộ vẫn tôn vinh ông với một danh từ dễ thương “Thi Tướng Huỳnh văn Nghệ”. Và có lẽ nhắc tới “Thi Tướng huỳnh Văn Nghệ” chắc không ai trong chúng ta không nhớ tới hai câu thơ bất hủ trong bài thơ “Nhớ Bắc” ông cảm tác năm 1940, tại sân ga Sài Gòn:

Từ độ gươm đi mở cõi

Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long”

Ngày nay, tên tuổi của ông còn được ghi trong sách “Trí thức Sài Gòn Gia Định” và được đưa vào “Từ điển danh nhân Việt Nam”, “Từ điển thành phố Sài Gòn – Hồ Chí Minh”. Nhiều nhà báo, nhà nghiên cứu khoa học, lịch sử văn hóa đã có những bài viết, những tác phẩm về ông, kể cả xây dựng hình tượng văn học nghệ thuật trên phim ảnh, hát bội… Và, với lòng trân trọng nhớ ơn người dũng tướng của mình, tên Huỳnh Văn Nghệ đã được nhân dân đặt cho một trường trung học ở Tân Uyên, trên vùng đất chiến khu Đ cũ, một số đường phố ở Bình Dương, Biên Hòa, và ở thành phố Hồ Chí Minh./.

Tài liệu sử dụng

(1) Nguyễn Đình Chiểu, Lục Vân Tiên. Thơ.

(2) Huỳnh Văn Nghệ, Bên dòng sông xanh. Thơ. Chiến Khu Đ – 1946

(3) Huỳnh Văn Nghệ. Tiếng hát giữa rừng. Thơ Chiến khu Đ – 1946.

(4) Theo anh hùng Lê Mã Lương – Giám đốc Bảo tàng Quân đội thì tại Bảo tàng Quân đội có lưu trữ tài liệu phong hàm cấp Tướng cho ông Huỳnh Văn Nghệ.

1. Thạch Phương, Lê Trung Hoa (chủ biên). Từ điển thành phố Sài Gòn – Hồ Chí Minh. Trang 161, 162, 430. Nhà xuất bản Trẻ, 2001.

2. Theo lời kể cua đồng chí Lê Du – Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, nguyên cán bộ Trường Quân Chính Khu 7, nguyên Phó Giám đốc Công ty Mỹ Thuật Thành phố Hồ Chí Minh. Điện thoại: 8548453.

3. Tài liệu do bà Huỳnh Thị Thành, con gái út đồng chí Huỳnh Văn Nghệ (địa chỉ gia đình: 143 Hai Bà Trưng, phường 6, quận 3, TP.HCM. Điện thoại 8221752): cung cấp:

– Bản tóm tắt quá trình hoạt động của ông Huỳnh Văn Nghệ do gia đình kê khai.

– Giấy chứng nhận trường hợp có công của ông Huỳnh Văn Nghệ do các đồng chí lão thành cách mạng: Giáo sư Trần Văn Giàu – nguyên Bí thư Xứ ủy Nam Bộ; Thiếu Tướng Bùi Nam Hà – nguyên Phó Tổng Thanh tra Quân đội Bộ Quốc phòng; ông Nguyễn Văn Giỏi – nguyên Hội viên Công Hội Đỏ từ năm 1936, cán bộ của Xứ ủy Nam Bộ, ông Nguyễn Văn Thi – nguyên Bí Thư Đảng Ủy – Khu ủy viên Khu 7; ông Cao Văn Bổ – nguyên Ủy viên Ban chỉ huy Vệ quốc Đoàn tỉnh Biên Hòa – Tham mưu chủ nhiệm Bộ Tư lệnh khu 7; ông Đoàn Hữu Hòa – nguyên Chi đội phó Chi đội 10 – Trung Đoàn ủy viên 310; ông Phan Xuân Đợt – nguyên Bộ trưởng Bộ Lâm nghiệp.

– Sở Văn hóa Thông tin – Thể thao Đồng Nai, “Thơ văn Huỳnh Văn Nghệ”, Nhà xuất bản Đồng Nai 1998.