QĐND Online – Lần nào tôi gọi điện cho Đại tá, NSƯT Minh Quang cũng vậy, thường câu trả lời của anh là đang không có ở Hà Nội, lúc thì đi dàn dựng chương trình cho tỉnh này, lần thì dựng tiết mục cho các đơn vị nọ… Nói vui với anh, nghệ sĩ lên chức ông rồi mà vẫn “rút ruột nhả tơ” thế sao! Anh cười: Cái “máu” nghệ sĩ của mình vẫn luôn sục sôi thế…

Bạn đang xem: Những bài hát do ca sĩ minh quang thể hiện

QĐND Online – Lần nào tôi gọi điện cho Đại tá, NSƯT Minh Quang cũng vậy, thường câu trả lời của anh là đang không có ở Hà Nội, lúc thì đi dàn dựng chương trình cho tỉnh này, lần thì dựng tiết mục cho các đơn vị nọ…Nói vui với anh, nghệ sĩ lên chức ông rồi mà vẫn “rút ruột nhả tơ” thế sao! Anh cười: Cái “máu” nghệ sĩ của mình vẫn luôn sục sôi thế!

Da diết nỗi nhớ “Hoa sim biên giới”

Hẹn gặp nhạc sĩ Minh Quang, bao giờ tôi cũng đề nghị được nghe anh hát những giai điệu mở đầu: “Nếu anh lên biên giới anh sẽ gặp bạt ngàn hoa/Hoa sim, giữa đồi nắng gió, tím như ai chờ mong/ Sắc hoa sim yêu thương trong lòng nguời lính trẻ/Chờ em nên tím ngát bồi hồi…”. Dù giọng có phần đã khàn đục vì tuổi tác, nhưng khi những giai điệu được nghệ sĩ Minh Quang cất lên, dường như cả phía trước anh là một miền ký ức, những ký ức tràn về của một thuở nghệ sĩ-chiến sĩ của Đoàn ca múa Quân đội (nay là Nhà hát ca múa nhạc Quân đội) “nằm gai, nếm mật” với bộ đội, chiến sĩ ở các mặt trận biên giới. Nhạc sĩ Minh Quang bảo rằng, “Hoa sim biên giới” như là tấm giấy thông hành đưa anh đến với nghiệp sáng tác.

Minh Quang sinh năm 1951, là con trai Hà Nội, anh đầu quân vào Đoàn ca múa Quân đội làm diễn viên hát đơn ca. Khi đang tiếp tục học sáng tác tại Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia), Minh Quang được lệnh theo đoàn đi biểu diễn phục vụ quân và nhân dân biên giới phía Bắc. Ngày ấy, những ca khúc đầu tiên phản ánh về cuộc chiến của quân và nhân dân biên giới đã nổi lên như: “Chiều biên giới” (nhạc sĩ Trần Chung), “Đôi mắt mang hình viên đạn” (Trần Tiến), “Lời tạm biệt lúc lên đường” của Vũ Trọng Hối với những ý tứ da diết, chứa chan của người ra trận: “Ngày ra đi, hướng biên cương/Có em tiễn đưa mà mắt lệ ướt/Về đi em, nếu yêu nhau/Hãy yêu rộng hơn cả non nước cuộc đời”. Trong những bước hành quân đi biểu diễn, chiêm nghiệm sự hy sinh của những người lính bảo vệ từng tấc đất của dân tộc, cùng sự cảm nhận sâu sắc ý thơ, lời nhạc qua những lần thể hiện các ca khúc như “Đất nước tôi” của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn: “Xin hát về người đất nước ơi !/Xin hát về mẹ Tổ quốc ơi, mấy mùa không ngủ/Ngăn bước quân thù phía Nam phía Bắc”… Nhu cầu cần có nhiều nữa những sáng tác mới về bộ đội trong cuộc chiến tranh biên giới đã thôi thúc Minh Quang. Nhất là chứng kiến hình ảnh những chiến sĩ vội vã chuẩn bị hành trang cho buổi đêm lên đường sẵn sàng đánh giáp lá cà, trước khi chia tay với nghệ sĩ, không ít chiến sĩ tâm sự rằng đi chiến đấu không sợ gian khổ, không sợ hy sinh, chỉ mong sao mẹ, vợ, người thân ở nhà được bình an,… Hay có những chiến sĩ ở điểm cao Bát Xát, không có điểm chốt, ngày đêm đứng trong mây chịu sương chịu rét, để có nước ăn, nước uống, bộ đội phải gùi nước từ dưới lên mất 5 tiếng đồng hồ leo bộ. Vậy nhưng khi nghe có văn công lên diễn, có chiến sĩ đã hăng hái gùi thêm nước để văn công lên có nước sử dụng, trong khi mỗi chiến sĩ nơi đây mỗi lần rửa mặt chỉ được 1 bi-đông nhỏ. Nghệ sĩ hát xong, những người lính ngắt hoa sim tím để tặng, rồi tâm sự rằng, mỗi lần nhìn hoa sim lại chạnh lòng nhớ đến những người vợ, người yêu ở hậu phương… Nhưng trong nỗi nhớ nhung da diết lại nhân lên niềm tin, động lực để người lính vững tay súng trước hòn tên, mũi đạn…

Đại tá, NSƯT Minh Quang

Những hình ảnh đó in đậm trong tâm trí của người nghệ sĩ, chiến sĩ Minh Quang. Trong vòng 3 năm, từ 1980 đến 1983, anh vừa viết, vừa đi biểu diễn, rồi hát thử cho bộ đội ở các mặt trận biên giới nghe và những ca từ da diết của “Hoa sim biên giới” ra đời, vẫn luôn vang mãi cho đến ngày hôm nay.

Dòng Lô chảy mãi

Cũng bắt nguồn từ “bối cảnh” của cuộc chiến biên giới phía Bắc, năm 1988, tên của nhạc sĩ Minh Quang lại được biết đến khi sáng tác ca khúc “Sông Lô chiều cuối năm”, mà theo nghệ sĩ, hình ảnh người lính và cô lái đò rất dễ gặp, rất dễ gây nên niềm xúc cảm ở bất cứ địa điểm nào trên dải đất hình chữ S. Trước đó, với dòng sông Lô, nhạc sĩ Văn Cao đã nức tiếng từ những năm tháng kháng chiến chống Pháp, một trường ca bằng âm nhạc đầy tính học thuật. Nhưng với những người lính ngày đêm dãi nắng dầm sương ở những điểm chốt thì không thể có điều kiện thưởng thức, hoặc nghệ sĩ biểu diễn không phải ai cũng đủ tầm để thể hiện. Trong khi đó, chương trình, tiết mục của những người nghệ sĩ-chiến sĩ đi biểu diễn ở các đơn vị, mặt trận lúc bấy giờ nhu cầu cần nhỏ nhẹ hơn. Sau thời gian dài chiêm nghiệm, cùng những chuyến hành quân biểu diễn qua dòng sông Lô, được nghe nhiều câu chuyện của người dân, của những đơn vị quân đội về chiến tích của bộ đội thời chống Pháp trên con sông lịch sử, hay ngọn nguồn ra đời của lực lượng Hải quân cũng bắt nguồn từ dòng Lô lịch sử này, cùng câu chuyện về một người lính-như là hình ảnh, tâm trạng của bao người lính bên bến sông xưa.

Xem thêm: Nữ Mc Quỳnh Giang : Có Những Lúc, Vợ Chồng Nên Xa Nhau…!, Mc Quỳnh Giang

 Hình ảnh chàng Vệ quốc quân mặc áo trấn thủ đi qua bến Bình Ca đeo khẩu súng carbine (cạc bin), chân đi đôi giầy vải, đầu đội mũ lưới mặt xanh xao, vai quấn bao gạo ngồi trên con đò chòng chành cùng cô gái sang đơn vị mới, đò cập bến, chàng trai vẫy tay chào cô lái đò áo nâu đẹp hiền dịu, đỏ mặt  khi chàng chiến binh hẹn ngày chiến thắng trở lại. Người lính Vệ quốc quân đi mãi không về, cô lái đò “sang ngang” để lại bến sông xưa. Khi chàng Vệ quốc quân chiến thắng trở lại bến đò xưa, đò không người lái, nhìn xuống dòng sông thấy câu thơ ẩn hiện về người con gái bao năm chờ đợi… “Sông Lô chiều cuối năm/ Ai tìm về bên ai/ Ta tìm về bên em/Qua bến Bình Ca đứng lặng/ Cây đào ngày Tết sắp ra hoa/Sao người con gái ấy nơi đâu/Để lại bến sông xưa/Bâng khuâng một con đò …”.

Bao thế hệ cha anh đã chịu biết bao gian khổ, hy sinh, vậy mà tình cảm vẫn lãng mạn thế. Bến Bình Ca-một trong những dòng sông chứng kiến những chiến tích hào hùng nhưng cũng bến bờ ấy đã là bến bờ của những hình ảnh lãng mạn hẹn hò và chia ly của bao đôi trai gái, bộ đội…

“Sông Lô chiều cuối năm” lãng mạn, da diết nhưng không ủy mị, âm nhạc của ca khúc thôi thúc, không phải là sự tả thực về một cuộc tình mà ghi nhận một cách đẹp đẽ hình ảnh của những con người trong kháng chiến chống Pháp, đó là hình ảnh lãng mạn cách mạng trong bất kỳ ai, bất kỳ người chiến sĩ nào, nhất là những người chiến sĩ xa quê hương đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, phải tạm biệt mẹ, vợ, người yêu, tạm gác lại tình cảm riêng tư để ra mặt trận. Dù biết rằng, có thể chết ở chiến trận, nhưng tinh thần của mỗi người lính ấy luôn “đá mòn mà đôi gót không mòn”…

Nhạc sĩ Minh Quang bảo rằng, những hình ảnh anh bắt gặp, trực tiếp trải qua luôn đọng sâu trong tâm trí. Khi anh chuyển tải những hình ảnh đó trên những khuôn nhạc, hình ảnh đó đi vào trái tim, có lẽ thế mà những tình cảm thật sự đó đã ít nhiều làm rung động trái tim người nghe. Và rất nhiều những ca khúc khác nữa, được nhiều nhạc sĩ khác “sinh ra” trong những cuộc trường chinh của lịch sử đã đi sâu vào trái tim người nghe bằng những lời ca, giai điệu thật, hình ảnh thật của những người lính Cụ Hồ, để rồi đến ngày nay và mãi về sau, những hình ảnh quả cảm, tình cảm lãng mạn của người lính trở thành những tượng đài nghệ thuật.

Không ồn ào, không đao to búa lớn, ca khúc của Minh Quang thuyết phục người lính nói riêng và người yêu nhạc nói chung bởi chất mộc mạc, dễ gần, dễ nhớ và nhất là mang hơi thở cuộc sống của lính, như: “Anh lính tình nguyện và điệu múa Apsara”, “Cây đàn ghi-ta một dây”, “Hoa ban”, “Chị ấy hát ru”… Những sáng tác của anh, cùng nhiều tác phẩm hợp xướng đã được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2012.

Xem thêm: Đôi Nét Về Tiểu Sử Sơn Tùng Một Ca Sĩ Làng Nhạc Việt, Sơn Tùng Mtp Là Ai

Nghỉ hưu sau thời gian dài trên cương vị Phó giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội, nhạc sĩ Minh Quang lại bước vào “hành trình” mới khi cùng với các thành viên trong gia đình (đều làm nghệ thuật) thành lập trung tâm nghệ thuật. Bất kể nắng mưa, mùa hè nóng rát hay cả những ngày Tết cận kề, nhạc sĩ Minh Quang vẫn “trên từng cây số”. Khi thì đi nói chuyện về nghệ thuật, lúc dàn dựng chương trình cho đơn vị này, cơ quan kia… khắp trong Nam, ngoài Bắc. Và đặc biệt, những ngày tháng 5 vừa qua, sự kiện Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam trên Biển Đông, nhạc sĩ Minh Quang lại cho ra đời một sáng tác mới: “Tổ quốc trên đỉnh sóng” với ca từ cuồn cuộn nhưng cũng thiết tha như lời tri ân, đồng thời cũng là lời nhắn gửi tới những người lính đang ngày đêm vững tin bảo vệ chủ quyền đất nước: “Tôi đã thấy màu cờ Tổ quốc mình bay trên đỉnh sóng/ Lạ kỳ thay đất nước gian nan con người xích lại… Việt Nam ơi! Việt Nam/ Tổ quốc vinh quang lấp lánh trên đỉnh sóng Hoàng Sa”… Bởi thế, mà trong anh luôn có những trăn trở, ngày nay, thế hệ sáng tác âm nhạc trẻ đang có lợi thế về sức trẻ, điều kiện về công nghệ, tri thức, nhưng thành tựu của họ ít quá. Nhất là những ca khúc về đề tài người lính chưa được các bạn trẻ chú tâm, sáng tác. Phải chăng một phần do thế hệ trẻ chưa có những trải nghiệm thực tế. NSƯT Minh Quang cũng như bao thế hệ nhạc sĩ đi trước đang mong chờ những thay đổi, những bứt phá của thế hệ làm nghệ thuật trẻ, chờ đợi những khích lệ từ các cơ quan, ban ngành chú trọng đầu tư hơn nữa cho thế hệ trẻ, để họ có thể “viết tiếp bước quân hành”.