Khi rời khỏi Việt Nam, cái tên Nhật Trung nhạc sĩ vừa được công chúng biết đến với vỏn vẹn hai bài hátNgày em đi và Góc phố rêu xanh. Hai năm sau đó, với bài hit Nửa vầng trăng, cái tên của anh được biết đến như một cây viết chủ lực của sân khấu ca nhạc hải ngoại… Nhưng bản tình ca lớn nhất Trung đã viết xong cho người yêu anh ra đi mãi mãi. Trong mắt bạn bè, bản tình ca ấy là một cuộc tình – một chuyện không có thật mà có thật…

Cuộc tình duyện phận

*

Anh có thấy ái ngại không, nếu tôi nhắc lại và mong được chia sẻ sự mất mát của anh – chuyện tình của anh và ca sĩ La Sương Sương?

Đó là duyên phận. Năm 1984, tôi theo gia đình chuyển vào Sài Gòn, và vài năm sau thì quen Sương. Lần gặp gỡ đầu tiên khi tôi đệm piano tập bài cho Sương hát, và giúp cô ấy tập luyện để dự thi Tiếng hát truyền hình. Rồi chúng tôi trở thành bạn thân của nhau cho đến khi cô ấy sang Mỹ cùng gia đình. Mối quan hệ của chúng tôi rất trong sáng, không cắt nghĩa được mối quan hệ này là tình bạn hay tình yêu. Sương sang Mỹ, chúng tôi vẫn viết thư tay cho nhau thường xuyên nhưng cũng không hứa hẹn gì cả. Bảy năm quen nhau, chưa bao giờ chúng tôi cầm tay nhau. Cho đến năm 1998, tôi cảm thấy mình cần phải đi học để nâng cao kỹ thuật phòng thu nên nung nấu ý nghĩ đi học. Tôi là con một, trước đây từng được học bổng đi du học ở Nga mà các cụ cũng không cho đi. Sau này khi quyết định đi Mỹ, tôi cũng phải khẳng định lý do đi học và không liên quan gì đến chuyện yêu đương thì mới được đi. Tất nhiên, Sương rất ủng hộ tôi trong việc đi học về công nghệ để nâng cao nghề nghiệp.

Bạn đang xem: Nhạc sĩ nhật trung

Và phải đến Mỹ hai người mới thành đôi?

Tôi và Sương yêu nhau khi tôi qua đến Mỹ và gặp lại cô ấy. Nhưng chúng tôi vẫn không thể làm đám cưới thành vợ chồng vì một số khác biệt về tôn giáo. Hai bên gia đình đã ngăn cản chúng tôi đến với nhau rất quyết liệt bởi một lý do nữa, mọi người tin vào bói toán, rằng nếu chúng tôi cưới nhau, một trong hai người sẽ phải chết. Tôi không mê tín, nhưng dường như điều này đã xảy ra.

Thời gian anh sang Mỹ và gần cô ấy nhiều hơn, cuộc sống của anh và La Sương Sương như thế nào?

Sương có người quen ở Mỹ nhiều hơn tôi và cô ấy giúp đỡ tôi rất nhiều trong việc học và xây dựng phòng thu tại Mỹ. Có Sương, tôi có một người thân để chia sẻ cả về tình cảm và cả tài chính. Tại đây, dần dần thì công việc và cơ hội để phát triển nghề nghiệp cũng đến với tôi. Với Sương, cô ấy lại tiếp tục hoàn thiện những đam mê ca hát dang dở ở Việt Nam. Tôi sáng tác, thực hiện album, thu âm cho Sương. Sương tuy không phải là một ca sĩ được đào tạo về thanh nhạc, tất cả đều là bản năng, nhưng tôi biết tình yêu nghề của cô ấy lớn như thế nào. Trong mắt tôi, Sương là người toàn diện và ít có người có đạo đức về nghề nghiệp như cô ấy. Cô ấy không cần tiền, không cần danh tiếng mà chỉ cần được hát. Ba lần xuất hiện trên sân khấu Thuý Nga, là cả ba lần cô ấy chuẩn bị kỹ lưỡng mà không cần biết đến sức khoẻ của bản thân mình. Khi biết trong mình mang bạo bệnh, cũng chỉ vì quá yêu nghề mà Sương muốn được thay thận để có thể đi biểu diễn xa nhà, không bị ràng buộc bởi thuốc nếu như lọc thận hàng tuần ở bệnh viện. Sương chấp nhận tất cả, cả mạng sống của mình như vậy.

Bắt đầu có danh tiếng ở Thuý Nga, anh gác qua một bên để đưa người yêu qua Trung Quốc thay thận. Cả 18 tháng cuối đời của La Sương Sương, cô ấy cũng luôn có anh – người yêu chưa cưới bên mình.

Lúc đó chúng tôi cần tiền, và tôi cũng cần phải ở bên cô ấy. Tôi bán phòng thu để có thêm tiền và cũng không còn thời gian để hoạt động nó. Trong viện, tôi cũng chỉ cần một chiếc laptop để làm việc là đủ. Chuyện tình cảm và quan hệ của chúng tôi, hai bên gia đình đều biết nhưng đã đến lúc mà mọi người tôn trọng quyết định của chúng tôi. Dù không phải là vợ chồng nhưng giữa tôi và Sương là tình cảm và sự chia sẻ lớn hơn nhiều. Khi Sương còn nằm trên giường bệnh, cô ấy cũng nói tôi phải lấy vợ đi thôi.

Gần hai năm tôi vào viện cùng Sương để chăm sóc cô ấy, nhưng chúng tôi vẫn có bạn bè văn nghệ sĩ. Họ vẫn đến, giữ liên lạc và động viên hai chúng tôi. Những ca sĩ bạn bè thân vẫn tìm đến mời làm nhạc cho họ chỉ với mục đích giúp thêm tiền cho tôi và Sương. Có thể tôi đã đứt quãng với sân khấu biểu diễn về hát hoặc các sản phẩm CD, nhưng với nghề nhạc sĩ, đích lớn nhất vẫn là tác phẩm. Giai đoạn ở bệnh viện cùng Sương, tôi sáng tác nhiều hơn.

Bây giờ, anh đã lập gia đình với một cô gái Hà Nội. Những kỷ niệm về La Sương Sương cũng đã nhẹ nhàng hơn chưa?

Sương vẫn hiện diện trong nhiều tác phẩm của tôi, nhiều bài hát về sau rất buồn và tôi cũng chưa đưa ra công chúng. Sẽ có lúc tôi ghi âm thành album về những kỷ niệm này. Còn bây giờ, tôi đã lập gia đình như duyên số đã đến. Vợ tôi là bạn cũ của tôi, tình cảm đến rất nhanh khi chúng tôi gặp lại nhau. Cô ấy yêu tôi vì đồng cảm với những mất mát của tôi, và càng yêu tôi hơn khi biết về Sương.

Xem thêm:

Cuộc đời tôi luôn là sự bắt đầu

Trở về Việt Nam, anh bắt đầu làm việc trở lại như con thoi với cuộc sống mới?

Tôi mở lại một phòng thu riêng ở TP.HCM, công việc và cuộc sống của tôi hiện tại diễn ra ở cả ba nơi: Mỹ, Hà Nội, TP.HCM. Cuộc đời tôi luôn là một sự bắt đầu. Khi mới 18 tuổi bắt đầu có tên ở Hà Nội thì chuyển vào Sài Gòn lập nghiệp lại từ đầu. Khi ở Sài Gòn có tên, bắt đầu được làm việc với những bậc thầy như Bảo Chấn thì lại đi học. Rồi sang Mỹ, khi có công việc ổn định lại trở về Việt Nam. Đôi khi nhìn lại tôi cũng thấy mình vất vả nhưng biết đâu vì thế mình lại luôn luôn mới thì sao.

Sự vất vả đó của anh có làm phiền lòng vợ chồng nhạc sĩ Hữu Xuân – song thân của anh không?

Có thể tôi cũng nhìn thấy sự lo lắng ở họ. Ngay từ khi ở Mỹ, có nhiều chuyện tôi nghĩ bố mẹ tôi cũng biết nhưng giấu được gì thì giấu. Ngay cả giờ đây, khi tạm yên tâm với cuộc sống riêng của tôi, bố mẹ vẫn luôn động viên. Bố tôi, một nhạc sĩ đi trước chia sẻ và thúc đẩy tôi hoà nhập. Ông nhắc tôi, phải viết và phải có tác phẩm. Có lẽ ít người biết, tôi đã trở thành hội viên hội Nhạc sĩ Việt Nam đã hai năm nay.

Hội viên hội Nhạc sĩ Việt Nam, nhưng lại là một cây viết ăn khách ở hải ngoại. Có mâu thuẫn gì không?

Tôi vào hội là để được làm việc với thêm nhiều đồng nghiệp. Sáng tác cho hải ngoại hay ở Việt Nam cũng vậy thôi, tác phẩm âm nhạc vẫn cần phải có hồn bên trong cái vỏ kỹ thuật khô cứng. Có thể có người cho rằng bài hát của tôi sến, không sao. Với những người hải ngoại, xa nhà và nhớ nhà, tác phẩm thường hướng về quê hương, có một chút dân ca. Còn khi ở Việt Nam tâm thế sáng tác sẽ lại hướng ngoại và hiện đại ngay lập tức.

Anh có tiếc khi mỗi lần trở về, anh lại thấy bạn bè đồng trang lứa nay đã là những nhạc sĩ đương đại trụ cột ở Việt Nam?

Có chứ, tôi thán phục các bạn. Đi xa một thời gian dài và trở về đã thấy họ có những bước tiến rất xa. Tôi cũng là người được học hành đàng hoàng, nên cũng thèm muốn được làm việc như họ. Khi ở Mỹ, nhiều khi có tâm lý làm việc lấy ngắn nuôi dài. Ở nhà có những ê kíp như Quốc Trung, Anh Quân… có những sự đầu tư đáng khâm phục mà ở Mỹ sẽ không làm được như vậy vì chi phí quá cao và nếu làm sẽ để cho ai nghe. Ở hải ngoại, nhạc sĩ mới viết nhạc không được mạnh mẽ trong ca từ, buồn nhiều hơn vui. Hơn nữa, tại hải ngoại không có môi trường cho người nhạc sĩ để sáng tác đúng như một người nghệ sĩ.

Vậy công việc anh đang bắt đầu ở Việt Nam là gì?

Tôi vừa hoàn thiện phòng thu của mình. Trước mắt ngoài vài việc hợp tác nhỏ, tôi vẫn dành nhiều thời gian để tiếp thu, tranh thủ đi xem mọi show diễn, phòng trà tụ điểm ở Việt Nam. Bây giờ ở Việt Nam ai cũng có ê kíp cả rồi. Bây giờ làm việc một mình không ăn thua, phải có “teamwork”, cái tôi gác sang một bên và không được tự ái. Tôi cũng đang dần tìm kiếm những cộng sự của mình, tìm kiếm một giọng hát hấp dẫn để cùng làm việc. Tôi rất cảm động vì bạn bè rộng tay đón tôi, sẵn sàng lôi tôi vào cuộc ở Việt Nam.

Xem thêm:

Anh sẽ hát trở lại như mấy năm trước ở hải ngoại chứ?

Tôi hát chỉ là hát chơi. Nếu hát lại, chắc chỉ là thu dăm ba bài trong album của mình thôi. Tôi là nhạc sĩ chứ không phải ca sĩ. Chỉ cần nhìn vào thị trường hàng chục triệu người nghe nhạc mình ở Việt Nam, tôi đã thấy đầy hào hứng.