Cùng với Phạm Duy và Văn Cao, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được nhiều người xem là 1 trong 3 người có ảnh hưởng lớn nhất của tân nhạc Việt Nam. Đi cùng với đó, cũng giống như nhạc sĩ Phạm Duy thì vẫn còn nhiều tranh cãi liên quan đến sự nghiệp âm nhạc của Trịnh Công Sơn. Tuy nhiên dù thích hay ghét, ít người phủ nhận những đóng góp của ông cho âm nhạc Việt Nam với hàng trăm bài hát được đông đảo công chúng biết đến.

Bạn đang xem: Giới thiệu về nhạc sĩ trịnh công sơn

Ngoài vai trò là một nhạc sĩ nổi tiếng, Trịnh Công Sơn còn làm thơ và vẽ tranh, ông cũng từng đi dạy học. Sau này, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được nhiều người nhìn nhận là một triết gia đã thể hiện những tư tưởng và nhân sinh quan đặc biệt của mình thông qua âm nhạc.

*

Tuổi thơ là những chuyến đi

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sinh ngày 28 tháng 2 năm 1939 tại Daklak, tuy nhiên đó chỉ là một trong số những chỗ ở mà gia đình Trịnh Công Sơn đã chuyển tới theo những chuyến đi của cha ông. Cha mẹ Trịnh Công Sơn đều là người Huế. Quê gốc của ông là ở làng Minh Hương, xã Vĩnh Tri, huyện Hương Trà, Thừa Thiên – Huế.

Trịnh Xuân Thanh, cha của Trịnh Công Sơn vốn là một doanh nhân yêu nước. Dù sinh trưởng trong một gia đình khá giả, có cửa hàng kinh doanh lớn ngay tại trung tâm kinh kỳ Huế, nhưng suốt cả tuổi thơ của mình, Trịnh Công Sơn liên tục phải chứng kiến cảnh cha bị ra tù vào tội, bị đánh đập, tra tấn vì tham gia hoạt động chống Pháp.

Trịnh Công Sơn từng tâm sự: “Cha tôi đã ở trong tù còn nhiều hơn ở nhà và kỷ niệm không thể nào phai nhạt trong tôi, đó là đêm tôi được phép vào thăm và ở lại với cha tôi trong trong nhà lao Thừa Phủ Huế. Hình ảnh cha tôi đã lớn dần lên trong tôi bằng sự thương yêu, kính trọng”.

Người mẹ kính yêu mà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nhắc đến rất nhiều lần trong các nhạc phẩm và bài viết của mình là bà Lê Thị Quỳnh. Thời còn con gái, bà Quỳnh từng là hoa khôi của trường Đồng Khánh. Đó là một người phụ nữ xinh đẹp, đảm đang, nhân hậu và đậm chất Huế.

Năm 1943, gia đình Trịnh Công Sơn chuyển về Huế. Tại Huế, ông được cho theo học tại trường Lycée Francais (nay là trường tiểu học Lê Lợi) và trường Provindence (nay là trường Đại Học Khoa Học Huế). Có thời gian,Trịnh Công Sơn được cho vào Sài Gòn theo học và tốt nghiệp tú tài tại trường Lycée Jean Jacques Rousseau (nay là trường Lê Quý Đôn). Ngoài những trường kể trên, Trịnh Công Sơn kể ông phải chuyển trường đến 16 lần trong suốt những năm tháng ấu thơ của mình, lý do chính là do các hoạt động chống Pháp của cha nên gia đình Trịnh Công Sơn phải di chuyển khắp nơi.

*

Những khúc quanh của số phận

Năm 1955, hiệp định Geneve được ký kết, Pháp rút khỏi Việt Nam, đồng thời trong năm này gia đình Trịnh Công Sơn cũng gặp phải một biến cố đau thương. Người cha Trịnh Xuân Thanh mà anh em Trịnh Công Sơn nhất mực kính yêu đột ngột mất đi trong một tai nạn giao thông. Năm đó, Trịnh Công Sơn được 16 tuổi, còn mẹ ông, bà Lê Thị Quỳnh 34 tuổi đang mang bầu cô con gái út Trịnh Vĩnh Trinh được 4 tháng. Sự ra đi của người cha đã giáng một đòn mạnh vào gia đình Trịnh Công Sơn, đặc biệt là cậu con trai cả vừa mới lớn với tâm hồn còn non nớt. Những mất mát đã trở thành nỗi ám ảnh trong đời sống và cả âm nhạc sau này của Trịnh Công Sơn. Ông từng tâm sự:

“Nỗi ám ảnh ấy chắc hẳn không bắt nguồn từ lớp dày tro bụi của vô thức làm nên từ những cái chê t của tổ tiên mà có lẽ từ những năm tù bị tra tấn của ba tôi trong những năm tháng chống Pháp. Rất nhiều bài hát đầu đời của tôi đã phảng phất cái không khí vắng lặng của sự mất mát. Càng về sau, lúc tiến dần về tuổi trưởng thành, giữa bức xúc của cuộc sống, giữa những năm tháng buồn vui, nỗi ám ảnh ấy đã trở thành lúc nào không hay ngọn nguồn của một nỗi âu lo thường trực về sự vắng bóng con người”.

*

Biến cố thứ hai xảy đến với Trịnh Công Sơn là năm ông 18 tuổi. Đó là một buổi sáng đầu hè năm 1957 tại Huế, lúc ông đang học ở Sài Gòn thì ghé về thăm nhà. Niềm đam mê duy nhất của Trịnh Công Sơn khi đó là võ thuật. Trước sân nhà trên đường Phan Bội Châu (Huế), hai anh em Trịnh Công Sơn và Trịnh Quang Hà cùng nhau tập võ để chuẩn bị thi lên đai thì bất ngờ xảy ra tai nạn. Cậu em Trịnh Quang Hà trong lúc đang tung cú thúc cùi chỏ về phía ông anh thì bất ngờ bị ngã nhào lên anh trai, sức mạnh của cú cùi chỏ theo đà đập xuống cộng với sức nặng của Quang Hà khi té xuống đã vô tình giáng lên ngực Trịnh Công Sơn một đòn chí mạng. Trịnh Công Sơn nằm gục tại chỗ và thổ huyết cả thau máu. Do bị vỡ mạch máu phổi, Trịnh Công Sơn phải nằm liệt giường gần hai năm sau đó.

Năm đầu tiên, Trịnh Công Sơn không thể tự ăn uống được, chỉ nằm một chỗ và húp cháo lỏng. Đến năm thứ hai, dù vẫn nằm bệnh nhưng nhờ sức khoẻ đã khá hơn, Trịnh Công Sơn đã có thể gιết thời gian bằng sách. Ông đọc rất nhiều loại sách từ triết học, phật học, đến văn học, dân ca.

Sự ra đi của người cha và những tháng ngày nằm bệnh đối mặt với cửa tử cận kề của chính mình đã trở thành mỗi ám ảnh thường trực trong tâm hồn Trịnh Công Sơn. Sau cơn bạo bệnh, ông giống như cái cây đang dần héo khô vì nắng hạn bỗng bất ngờ nứt kẽ hồi sinh khi gặp được cơn mưa định mệnh của đời mình. Cơn mưa ấy phải chẳng chính là niềm khao khát sống, niềm yêu đời vô tận như một lần nào đó ông đã tâm sự: “Tôi đến với âm nhạc có lẽ cũng vì tình yêu cuộc sống. Một phần cũng do một khúc quanh nào đó của số phận”. 

Trịnh Công Sơn từng kể: “Khi rời khỏi giường bệnh, trong tôi đã có một niềm đam mê khác – âm nhạc. Nói như vậy hình như không chính xác, có thể những điều mơ ước, khát khao đó đã ẩn chứa từ trong phần sâu kín của tiềm thức bỗng được đánh thức, trỗi dậy”.

*

Trịnh Công Sơn năm 17 tuổi

Cú sốc thứ ba giáng một đòn mạnh vào kinh tế gia đình Trịnh Công Sơn, đồng thời xảy đến trong năm 1957 khi ông đang nằm trên giường bệnh. Mặc dù người cha đã mất trước đó 2 năm, nhưng kinh tế gia đình Trịnh Công Sơn vẫn chưa đến nỗi sa sút, gia đình vẫn có một cửa hàng kinh doanh xe đạp trên phố. Một lần, bà Lê Thị Quỳnh mở tủ lấy tiền nhưng lại quên đóng, khiến toàn bộ tiền vàng trong tủ bị trộm khoắng sạch. Kẻ ăn trộm không ai khác mà chính là một người thợ làm việc cho gia đình. Việc kinh doanh ngày càng khó khăn, một đàn con đang tuổi ăn tuổi học, con trai cả thì bị bệnh nằm liệt giường phải có người chăm sóc, tiền bạc mất sạch, bà Lê Thị Quỳnh đành bán nhà chuyển đi chỗ khác, việc kinh doanh cũng rơi vào ngõ cụt.

Tất cả những biến cố dồn dập đó trong gia đình đã đẩy Trịnh Công Sơn vào một ngã rẽ khác. Hoạ sĩ Trịnh Cung, một người bạn thân thiết của Trịnh Công Sơn cho rằng:

“Nếu Sơn không bị những sự kiện đó, tôi nghĩ là Sơn sẽ đi học ở Paris và sẽ trở thành một tiến sĩ, một bác sĩ, một kỹ sư… chớ không phải là một nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Tôi cho biến cố đó đã đặt Trịnh Công Sơn vào tình trạng cô đơn, tuyệt vọng. Sơn tập chơi guitare, tự học guitare với một người bạn, rồi sau đó viết ca khúc “Ướt Mi”.

Ướt Mi được nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sáng tác khi ông còn đang trọ học ở Sài Gòn, trong bài hát có hình bóng cùa một cô ca sĩ mới 16 tuổi, đêm đêm đi hát phòng trà đã rơi những giọt lệ sầu bi khi hát bài Giọt Mưa Thu của Đặng Thế Phong, người sau đó trở thành nữ danh ca Thanh Thúy.

*

Ca sĩ Thanh Thúy

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng cho biết hai ca khúc đầu tay của ông là Sương Đêm Sao Chiều đã được ông viết vào năm 17 tuổi, nhưng không được công bố, và có lẽ ông cũng chưa được hài lòng về những tác phẩm còn non nớt đó. Chỉ đến khi ca khúc Ướt Mi được ra mắt vào năm 1959, với tiếng hát của chính nữ ca sĩ Thanh Thúy, gia đình và bạn bè Trịnh Công Sơn mới bất ngờ về tài năng âm nhạc của ông.

Sau khi khỏi bệnh và tốt nghiệp tú tài, do kinh tế gia đình đã khánh kiệt không thể theo học các trường đại học lớn ở Sài Gòn hay Huế, Trịnh Công Sơn đành theo học sư phạm ở Qui Nhơn, với mong ước có thể sớm ra trường đi làm. Thời điểm đó, giáo viên còn thiếu rất nhiều nên sinh viên chỉ cần học 2 năm là có thể ra trường và có việc làm ngay với mức lương ổn định.

Hè năm 1964, sau khi tốt nghiệp trường sư phạm Qui Nhơn, Trịnh Công Sơn cùng một số bạn học của ông được điều về B’lao (nay là thành phố Bảo Lộc) để dạy tiểu học. Cả nhóm bạn thuê chung một căn biệt thự cũ để ở, Trịnh Công Sơn ở căn phòng phía trước nhà, nơi có cửa sổ nhìn ra con đường trước nhà. Đây chính là không gian sáng tác đã được Trịnh Công Sơn đưa vào trong rất nhiều nhạc phẩm của ông ra đời trong thời gian này, trong đó có bài Lời Buồn Thánh, Tuổi Đá Buồn.

*

Năm 1964 đồng thời cũng là một dấu mốc khác của Trịnh Công Sơn, đó là cuộc gặp gỡ định mệnh với nữ ca sĩ Khánh Ly tại một phòng trà ở Đà Lạt. Nhận thấy Khánh Ly có một giọng hát rất đặc biệt, phù hợp với những ca khúc của mình khi đó, Trịnh Công Sơn ngỏ ý mời cô về Sài Gòn để cùng hợp tác hát nhạc của ông. Tuy nhiên, trái với mong muốn của Trịnh Công Sơn, Khánh Ly đã từ chối, với lý do chính là khi đó cô đang có cuộc sống, gia đình và công việc khá thoải mái ở Đà Lạt, không muốn trở về bon chen ở Sài Gòn.

Chưa tìm thấy lối đi cho con đường âm nhạc, lại phần vì lý do kinh tế, Trịnh Công Sơn đành tiếp tục với công việc “gõ đầu trẻ”, dù miễn cưỡng nhưng mang lại cho ông mức thu nhập khá tốt.

Trong ba năm ở Bảo Lộc từ 1964 – 1967, ngoài những lúc đi dạy, Trịnh Công Sơn dành khá nhiều tâm sức cho âm nhạc. Trịnh Công Sơn vừa sáng tác, vừa đi đi về về giữa Sài Gòn và Bảo Lộc, để tìm cách phát hành những sáng tác của mình. Đây cũng là những năm tháng không thể nào quên của mối tình hoa mộng Trịnh Công Sơn và Dao Ánh. Trong 3 năm thư từ qua lại, từ Bảo Lộc, Trịnh Công Sơn đã gửi về Huế cho Dao Ánh khoảng 300 bức thư tình với những lời thư tình tự, bay bổng tuyệt đẹp. Một số nhạc phẩm được Trịnh Công Sơn viết tặng cho Dao Ánh trong thời gian này như: Còn Tuổi Nào Cho Em, Mưa Hồng, Ru Em Từng Ngón Xuân Nồng, Chiều Một Mình Qua Phố…

*

Dao Ánh và Trịnh Công Sơn

Mùa hè năm 1967, có lệnh điều động giáo viên phải nhập ngũ, vốn quen biết và được ưu ái từ trước vì tài năng âm nhạc, Trịnh Công Sơn tìm cách trốn lính, trở về Sài Gòn. Cũng trong năm này, như một định mệnh đã được định sẵn, Khánh Ly ly dị chồng, ôm con trở lại Sài Gòn rồi tình cờ gặp lại Trịnh Công Sơn. Hai người kết hợp với nhau, bắt đầu hành trình của một cặp đôi huyền thoại. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng tâm sự:

“Gặp gỡ ca sĩ Khánh Ly là một may mắn tình cờ, không phải riêng cho tôi mà còn cho cả Khánh Ly. Lúc gặp Khánh Ly đang hát ở Đà Lạt, lúc đó Khánh Ly chưa nổi tiếng nhưng tôi nghe qua giọng hát thấy phù hợp với những bài hát của mình đang viết và lúc đó tôi chưa tìm ra ca sĩ nào ngoài Khánh Ly. Tôi đã mời Khánh Ly hát và rõ ràng giọng hát của Khánh Ly rất hợp với những bài hát của mình. Từ lúc đó Khánh Ly chỉ hát nhạc của tôi mà không hát nhạc người khác nữa. Đó cũng là lý do cho phép mình tập trung viết cho giọng hát đó và từ đó Khánh Ly không thể tách rời những bài hát của tôi cũng như những bài hát của tôi không thể thiếu Khánh Ly”.

Từ một sân khấu tạm bợ dựng trên bãi cỏ sau trường đại học Văn Khoa Sài Gòn, tên tuổi Trịnh Công Sơn và Khánh Ly bắt đầu nổi lên như một hiện tượng. Thời gian này, Trịnh Công liên tục cho ra đời những tập ca khúc phản ᴄhιến được giới sinh viên, tri thức vô cùng yêu mến và ủng hộ. Sau Tập ca khúc Da Vàng phát hành năm 1967 và tái bản lần 2 năm 1969 với thêm 2 ca khúc mới, Trịnh Công Sơn tiếp tục sáng tác tập ca khúc Kinh Việt Nam năm 1968, Ta Phải Thấy Mặt Trời xuất bản năm 1969 và Phụ Khúc Da Vàng xuất bản năm 1972. Có thể thấy, sức sáng tác của Trịnh Công Sơn thời kỳ này cực kỳ sung sức, chỉ trong vòng mấy năm, ông đã cho ra đời hàng trăm nhạc phẩm khác nhau.

*

Hành trình đơn độc

Trịnh Công Sơn lớn lên trong một đại gia đình với 9 anh chị em, được cha mẹ yêu thương, cận kề lo lắng. Những năm tháng tuổi trẻ, Trịnh Công Sơn luôn sống giữa vòng tay của bạn bè, giữa những hội hè âm nhạc, những tất bật khi du ca, với rất nhiều người yêu thương, mến mộ và nâng đỡ. Khi về già, căn nhà số 47C Phạm Ngọc Thạch của gia đình Trịnh Công Sơn ở Sài Gòn hầu như ngày nào cũng có bạn bè, khách khứa đến chơi, trò chuyện, uống rượu và đàn hát cùng nhạc sĩ. Tuy nhiên, trên con đường âm nhạc, trong tâm tưởng và cả trong đời sống tình cảm cá nhân, Trịnh Công Sơn lại luôn lựa chọn hành trình của một kẻ độc hành.

Con đường âm nhạc của Trịnh Công Sơn, trước ông và cả sau ông dường như đều chưa có dấu chân nào đi qua. Những nhạc phẩm của Trịnh Công Sơn được rất nhiều người mến mộ, những câu hát, câu nói của ông được người ta trích dẫn như một triết lý sống. Người ta hát nhạc của Trịnh khắp nơi, mê đắm những ngôn từ và giai điệu, bồi hồi xúc động với những giọng ca, chiêm nghiệm, đồng cảm, vỡ ra nhiều điều từ nhạc Trịnh nhưng nhiều người cũng phải thừa nhận rằng dù yêu thích nhưng không thể hiểu hết. Bởi âm nhạc của Trịnh như một thứ mê hương tình, với những mê cung của ngôn từ và ý niệm mà chỉ duy nhất Trịnh Công Sơn mới biết chính xác đường ra lối vào.

Xem thêm: Kiều Chinh – Tiểu Sử Hot Girl Kiều Trinh

*

Trong cuộc đời mình, Trịnh Công Sơn yêu khá nhiều, những bóng hồng đã được ông đem vào thơ vào nhạc, nâng niu và trân trọng bằng một thứ tình yêu tinh tế, dịu dàng nhất mực, nhưng đến cuối cùng ông vẫn không chung đôi với bất kỳ ai, không lựa chọn bất kỳ ai đó để bầu bạn trăm năm như lẽ thường ở đời. Dường như bởi hơn cả một người phụ nữ, Trịnh Công Sơn mong muốn tìm một người tri kỷ, một người có thể thấu hiểu và sẻ chia cùng ông những tâm tư, cảm xúc, mà điều đó thì thật khó nên ông cứ ở mãi vậy cả đời.

Những người bạn đương thời của Trịnh Công Sơn kể lại rằng, có những lần dù đang ngồi giữa bạn bè, nhưng dòng tâm tưởng, suy tư của nhạc sĩ lại như đang bay bổng, xa xăm, lơ đãng đâu đó. Nhưng suy tưởng, tâm niệm của Trịnh Công Sơn có nhiều khi rất giản dị, gần gũi với đời sống nhưng đôi khi nằm ở tầng sâu thẳm nào đó ít người hiểu được.

Đối với những bài hát được gọi là ca khúc da vàng, những bài hát kêu gọi hòa bình của Trịnh Công Sơn có số phận thật trớ trêu. Nó như một vòng nguyệt quế vinh quang và đầy gai sắc nhọn. Trước 1975, chính thể ở cả hai miền đều không muốn nói tới những bài hát này. Chỉ có người dân, người yêu nhạc mới tìm đến và yêu thích, bất chấp những lệnh cấm cho đến tận ngày nay, nó vẫn sống mãi trong lòng người yêu nhạc.

*

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được rất nhiều người thương, nhưng cũng bị nhiều người phản đối, có lẽ chỉ bởi một lẽ duy nhất, sự lựa chọn của ông không giống họ. Ngay từ năm 1967, khi những ca khúc phản ᴄhιến đầu tiên của Trịnh Công Sơn được phát hành, những luồng dư luận lên án Trịnh Công Sơn đã bắt đầu râm ran đây đó. Những lời xì xầm về “thái độ cộng sản”, về việc ông trốn lính đã bắt đầu xuất hiện. Khi những tập ca khúc Kinh Việt Nam, Phụ Khúc Da Vàng,.. được phổ biến rộng rãi, được giới sinh viên Sài Gòn sử dụng trong những cuộc xuống đường, chính quyền Sài Gòn bắt đầu có những động thái dè chừng và cấm một số ca khúc của Trịnh Công Sơn.

Biến cố năm 1975, trong khi gia đình, bè bạn chọn cách đào thoát khỏi những nỗi buồn hậu chiế n ở quê nhà thì Trịnh Công Sơn chọn ở lại, như ông từng chia sẻ rằng hạt mầm âm nhạc trong ông chỉ có thể lớn lên, thành hình trên mảnh đất quê cha đất tổ này mà thôi.

Sau năm 1975, cái tên Trịnh Công Sơn lại tiếp tục được đem ra mổ xẻ, xem xét cả ở trong nước và hải ngoại, ở cả phe này lẫn phe kia. Người ta lật lại những ca khúc Trịnh Công Sơn đã viết cho những người bạn bên này – bên kia, cho những xác thân đã ngã xuống, những đau đáu trên phận người, cho con dân nước Việt, và lật lại những lời ông đã nói ở đâu đó, trong một hoàn cảnh nào đó để xâu xé, để kể tội, để dè bỉu. Trịnh Công Sơn vẫn lặng im chịu trận và chấp nhận tất cả những điều đó như một sự đánh đổi cho ước nguyện hoà bình đã thành sự thật.

Sau tất cả, dường như sự lựa chọn phe phái trên dải đất quê hương chưa bao giờ là điều mà Trịnh Công Sơn quan tâm cân nhắc. Ông tâm sự: “Khi tôi đứng bên một xác người, tôi không nghĩ đó là ta hay là địch, mà đó là một thân phận chịu đựng sự vô nghĩa của cuộc ᴄhιến”.

Nếu có lựa chọn thì ông hẳn sẽ chỉ luôn chọn một điều duy nhất, đó là Việt Nam, là Bắc Trung Nam, là dòng máu Lạc Hồng, và trên hết, Trịnh Công Sơn chọn viết nhạc về hòa bình, mong mỏi hòa bình về lại trên quê hương đau khổ.

*

Thiền giữa chợ đời

Từ góc nhìn nhân sinh quan và âm nhạc, Trịnh Công Sơn giống như một thiền nhân giữa chợ đời. Cách ông bình thản khai sinh, hát những khúc hát đầy tính chiêm nghiệm của riêng mình giữa vô vàn những trào lưu, thể loại âm nhạc hay cách ông lựa chọn chỗ đứng cho mình trong cuộc loạn ly, trong đời sống dường như không bị chi phối quá nhiều bởi những yếu tố xung quanh. Sự tĩnh tại đó của Trịnh Công Sơn được nuôi dưỡng từ những giáo lý, triết thuyết của nhà Phật mà ông đã có cơ duyên tiếp xúc từ khi còn rất nhỏ. Nếu như thi sĩ Phạm Thiên Thư mất 10 năm tu học, đọc kinh trong chùa mới có thể thẩm thấu được một phần những triết lý vi diệu của Phật Pháp để trở thành một người “thi hoá kinh Phật”, thì nhạc sĩ Trịnh Công Sơn dù không xuống tóc đi tu nhưng ngay từ khi còn nhỏ, đã như một hạt mầm được tưới tắm, lớn lên giữa những lời kinh tiếng kệ, âm nhạc, giáo lý, tư tưởng của Phật giáo.

Trịnh Công Sơn sinh ra và lớn lên trong một gia đình Phật tử. Mẹ ông là một Phật tử thuần thành, thường xuyên đi chùa, tụng kinh, làm phước. Bà giống như một tấm gương sáng về lòng trắc ẩn, bao dung và thương người, là một chỗ dựa vững chắc cho Trịnh Công Sơn.

*

Từ năm 15 tuổi, sau khi cha mất, Trịnh Công Sơn thường xuyên lên chùa đọc kinh, làm công quả, có khi ngủ lại luôn trong chùa. Hai ngôi chùa mà Trịnh Công Sơn thường lui tới khi còn trẻ là chùa Phổ Quang và chùa Hiếu Quang ở Huế. Trong những ngôi chùa này đều có những vị kinh sư (phái kinh sư) nổi tiếng với giọng tán tụng rất hay, rành rẽ kinh pháp và âm nhạc Phật Giáo. Trịnh Công Sơn từng quy y với hoà thượng chùa Phổ Quang và được đặt tên pháp danh là Nguyên Thọ. Trong đó, Nguyên có nghĩa là suối nguồn và Thọ là trao truyền, tức là được trao truyền từ suối nguồn. Một cái tên rất đặc biệt. Có thời gian, Trịnh Công Sơn còn theo học một lớp tán tụng (theo phái kinh sư) tại chùa Phổ Quang và là một trong những đệ tử xuất sắc, thông minh và rất có năng khiếu tán tụng.

Trong một cuộc phỏng vấn, Trịnh Công Sơn tâm sự:

“Tôi là một Phật tử ở trong một gia đình có tôn giáo chính là Phật Giáo. Từ những ngày còn trẻ tôi đã đọc kinh và thuộc kinh Phật. Thuở bé tôi hay đến chùa vì thích sự yên tĩnh. Có những năm tháng nằm bệnh, đêm nào mẹ tôi cũng nhờ một thầy đến nhà tụng kinh cầu an và tôi thường đi vào giấc ngủ êm đềm giữa những câu kinh đó. Có thể vì một tuổi trẻ đã có cơ duyên đi qua cánh cổng nhà Phật nên trong vô thức, bên cạnh những di sản văn hóa Đông Tây góp nhặt đuợc còn có lời kinh kệ vô tình nằm ở đấy”.

Tuy nhiên, về sau này, dẫu vẫn chịu ảnh hưởng sâu sắc của Phật giáo, Trịnh Công Sơn đã rẽ theo một ngã rẽ khác: buông giáo lý, buông chấp niệm, buông những phương tiện hữu hình ngoài tâm thức. Ông nói:

Càng lớn tôi càng ít đi chùa và gần đây hầu như không có nhu cầu đó nữa. Lý do đơn giản là tôi đã may mắn tìm thấy sự yên tĩnh đó ở trong bản thân mình.

…Tôi đang cố gắng quên Phật Giáo như một tôn giáo. Tôi muốn đó là thứ triết học siêu thoát mà ai cũng cần phải học, ngay cả những người thuộc tôn giáo khác. Mỗi người phải nỗ lực để xây dựng cho bằng đuợc một ngôi chùa tĩnh lặng trong lòng mình và nuôi lớn Phật tính trong chính bản thân thành một tượng đài vững chắc. Nó sẽ giúp cho ta nhìn thế giới khác đi, nhìn cuộc sống khác đi. Với tôi Phật Giáo là một triết học làm cho ta yêu đời hơn chứ không phải làm cho ta lãng quên cuộc sống.”

*

Tượng đài âm nhạc

Không chỉ gặt hái được những thành tựu lớn trong nước, nhạc Trịnh còn rất được công chúng quốc tế yêu thích, đặc biệt là Nhật Bản. Ngay từ những năm 1970, một loạt ca khúc của Trịnh Công Sơn được Khánh Ly thể hiện đã rất được khán giả Nhật Bản yêu thích và mến mộ, có thể kể đến như: Ca Dao Mẹ, Diễm Xưa, Ngủ Đi Con,… Chỉ tính riêng ca khúc Ngủ Đi Con, khoảng hai triệu đĩa nhựa đã được phát hành để phục vụ cho công chúng yêu nhạc Trịnh ở Nhật. Đặc biệt, nhiều ca khúc của Trịnh Công Sơn đã được dịch ra tiếng Nhật và được những nghệ sĩ hàng đầu của Nhật biểu diễn trong các chương trình âm nhạc lớn trên truyền hình.

Thập 1980-1990 có thể được coi là thập niên trỗi dậy trở lại của âm nhạc, điện ảnh, văn hoá, văn nghệ sau những năm tháng hỗn loạn hậu chiế n. Ở nước ngoài, mặc cho sự phản đối của một bộ phận người Việt hải ngoại, nhạc Trịnh vẫn vang lên ở nhiều nơi với tiếng hát của nữ ca sĩ Khánh Ly và nhiều ca sĩ hải ngoại khác. Còn tại Việt Nam, trong khi một loạt những nhạc sĩ ca sĩ nổi tiếng trước 1975 đã di cư ra nước ngoài, âm nhạc của họ theo đó cũng bị cấm đoán, thì nhạc Trịnh sau vài năm bị cấm đã được cho hát trở lại.

*

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sau vài năm bị đưa đi lao động ở vùng kinh tế mới, cũng đã được điều về làm việc tại hội âm nhạc Thành phố. Ông bắt đầu sáng tác trở lại vào đầu thập niên 1980. Thay cho sự vắng bóng của Khánh Ly, Trịnh Công Sơn kết hợp với nhiều giọng ca trong nước để phát hành nhạc. Nổi bật nhất trong thời gian này là cô em gái Trịnh Vĩnh Trinh và cô ca sĩ trẻ Hồng Nhung. Với Trịnh Công Sơn, Hồng Nhung là một phiên bản trẻ trung, tươi mới rất phù hợp với thị hiếu thị trường khi đó. Thập niên 1990, hai cái tên Hồng Nhung – Trịnh Công Sơn được đặt cạnh nhau như một mối nhân duyên đẹp, nồng nàn và tươi trẻ. Khác với giai đoạn trước 1975, âm nhạc Trịnh Công Sơn chủ yếu xuất hiện ở các sân trường đại học, phòng trà, vũ trường nhỏ thì ở giai đoạn sau này, âm nhạc Trịnh Công Sơn xuất hiện khắp nơi từ đài phát thanh, đài truyền hình, đến các sân khấu, chương trình âm nhạc tầm cỡ.

Năm 1999, trong một lần đến chơi tại làng du lịch Bình Quới, vì yêu thích cảnh sông nước hữu tình nơi đây, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã chọn một khu vực yên tĩnh, cây cối sum xuê, sát bờ sông để xây dựng Hội quán Hội Ngộ để làm nơi gặp gỡ, giao lưu của giới yêu nhạc, hội hoạ, thơ ca,… Công trình được khởi công vào tháng 9 năm 2000 và hoàn thành vào tháng 1 năm 2001.

*

Sau khi Trịnh Công Sơn mất, Hội quán Hội Ngộ trở thành Nhà lưu niệm Trịnh Công Sơn lưu giữ những kỷ vật, băng nhạc, tranh ảnh của Trịnh Công Sơn. Nơi đây được xem là ngôi nhà cuối cùng của Trịnh Công Sơn tại Sài Gòn. Rất nhiều chương trình, đêm nhạc tưởng niệm Trịnh Công Sơn đã được tổ chức tại đây. Đặc biệt, trong suốt 10 năm từ năm 2002 đến năm 2011, cứ hàng năm vào ngày giỗ Trịnh Công Sơn, chương trình âm nhạc tưởng niệm quy mô lớn, được dàn dựng hoành tráng, hoàn toàn miễn vé vào cửa được tổ chức, thu hút hàng chục ngàn người hâm mộ từ khắp nơi đổ về.

Từ năm 2012, hội quán Hội Ngộ trở nên quá tải với lượng người hâm mộ đông đảo tìm tới nên các chương trình tưởng niệm Trịnh Công Sơn đã được chuyển về khu vực công viên cầu Ánh Sao – Phú Mỹ Hưng – Quận 7. Sau 5 năm tổ chức tại Phú Mỹ Hưng, với lượng vé miễn phí khổng lồ được phát hành, đỉnh điểm là năm 2016 với 30.000 vé, chương trình được ví như một cuộc đại “hành hương về đất Trịnh” này đột ngột bị dừng lại trong 2 năm 2017 và 2018 do thiếu kinh phí tổ chức.

Năm 2019, chương trình tưởng niệm tiếp tục được tổ chức trở lại với 20.000 khán giả ngồi bệt thưởng nhạc trên sân vận động Hoa Lư, Q.1. Năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, hàng loạt chương trình tưởng niệm Trịnh Công Sơn đã bị huỷ bỏ và dời lại.

Năm 2011, thành phố Huế quyết định lấy tên Trịnh Công Sơn đặt cho một con đường mới mở dọc bờ sông Hương. Tiếp sau Huế, Hà Nội, Sài Gòn, Quy Nhơn và Đà Nẵng cũng lấy tên Trịnh Công Sơn để đặt cho các con đường ở các thành phố này. Ngoài ra, chính quyền thành phố Huế cũng đã họp bàn với gia đình Trịnh Công Sơn lên kế hoạch xây dựng một “Nhà Nguyện Tình Yêu” theo ý tưởng lúc còn sinh thời của nhạc sĩ bên bờ sông Hương và dự định di dời phần mộ của ông về Huế trong thời gian tới.

Trong địa hạt âm nhạc, nếu đem so với Phạm Duy về thiên phú âm nhạc và gia sản để lại, Trịnh Công Sơn có vẻ khiêm nhường hơn. Gia tài âm nhạc của Phạm Duy có hơn một ngàn ca khúc, thì Trịnh Công Sơn chỉ có khoảng trên dưới 600 ca khúc, trong đó số ca khúc đã được phổ biến rộng rãi mới chỉ khoảng 250 ca khúc. Xét về mặt thể loại, Phạm Duy sáng tác và thành công ở rất nhiều thể loại âm nhạc. Về mặt nghệ thuật, âm nhạc Phạm Duy hài hoà, diễm lệ cả ở lời ca và giai điệu. Còn với Trịnh Công Sơn, những cung đàn nốt nhạc dường như không phải là đích đến, mà chỉ là phương tiện để ông truyền tải những tư tưởng, những ý niệm, để thoả thích chìm đắm trong những “ảo mộng” của đời sống như ông từng chia sẻ. Âm nhạc của Trịnh Công Sơn giản dị, khiêm nhường để làm nền cho những lời ca đầy mỹ cảm và đậm tính triết lý. Nhiều người thậm chí đã không ngần ngại đặt cho nhạc sĩ một cái tên rất đặc biệt là “người ca thơ”. Bởi rất nhiều ca khúc của ông, nếu bỏ âm nhạc ra, hoàn toàn có thể làm thành một bài thơ trọn vẹn. Tiêu biểu nhất có thể kể đến ca khúc Đêm Thấy Ta Là Thác Đổ, từng được đề xuất là một trong những bài thơ tình hay nhất thế kỷ 20.

Xem thêm: Diễn Viên Chandler Riggs Theo Đuổi Sự Nghiệp Âm Nhạc Hậu The Walking Dead

Với hơn 40 năm miệt mài sáng tạo, Trịnh Công Sơn đã tạo nên một con đường âm nhạc hoàn toàn riêng biệt, độc đáo, không hề trộn lẫn với bất kỳ nhạc sĩ nào. Âm nhạc của Trịnh Công Sơn được xếp thành một dòng nhạc chuyên biệt mang tên Nhạc Trịnh (hay Trịnh Ca). Nhạc Trịnh xoay quanh 3 chủ đề lớn là tình yêu, thân phận con người và thời cuộc. Tuy nhiên, có thể nói rằng, sản nghiệp lớn nhất mà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn để lại đã vượt cả ra ngoài địa hạt âm nhạc, đó là tư tưởng, là sự kết nối, yêu thương, hoà hợp giữa lòng người với lòng người. Thứ dìu dắt con người hướng tới những giá trị chân thiện mỹ, những giá trị chân thực nhất của một kiếp người.