Ca sĩ Hoàng Oanh là một trong những ca sĩ tiên phong hát dòng nhạc vàng từ thập niên 1960 và đã dành trọn cả đời để cống hiến cho âm nhạc trong suốt gần 70 năm ca hát.

Bạn đang xem: Ca sĩ hoàng oanh hải ngoại

*

Có thể nói Hoàng Oanh là điển hình của một nữ nghệ sĩ dù nổi tiếng nhưng vẫn giữ được cuộc sống bình dị. Những ai đã tiếp xúc với Hoàng Oanh đều có chung nhận xét rằng cô rất hiền, ăn nói từ tốn và tính tình đôn hậu. Trong bài viết Hoàng Oanh – Tiếng Hát Của Giòng Thơ Nhạc Giao Duyên, tác giả Phạm Khanh đã có nhận xét: “Một cuộc đời nghệ sĩ không sóng gió. Hoàng Oanh đi hát, đi học, sống êm đềm trong hạnh phúc gia đình, trong tình bằng hữu và trong tình cảm nồng hậu của khán thính giả…”

Click để nghe tuyển chọn nhạc Hoàng Oanh trước 1975

Số lượng bài hát nhạc vàng gắn liền với tên tuổi Hoàng Oanh rất nhiều, có thể liệt kê những bài nổi tiếng nhất là Ai Ra Xứ Huế (Duy Khánh), Chuyến Đò Vỹ Tuyến (Lam Phương), Tình Yêu Trả Lại Trăng Sao (Lê Dinh), Chuyện Một Chiếc Cầu Đã Gãy (Trầm Tử Thiêng), Về Đâu Mái Tóc Người Thương (Hoài Linh), Câu Chuyện Đầu Năm (Hoài An), Một Người Đi (Mai Châu), Mưa Trên Phố Huế (Minh Kỳ & Tôn Nữ Thụy Khương), Sao Chưa Thấy Hồi Âm (Châu Kỳ)…

Hoàng Oanh cũng là ca sĩ hiếm hoi của dòng nhạc vàng học lên đến đại học thời đó. Cô tốt nghiệp Cử nhân (Ban Sử Địa) ở Đại Học Văn Khoa.

*

Ca sĩ Hoàng Oanh tên thật là Huỳnh Kim Chi, sinh ngày 6 tháng 11 năm 1946, nguyên quán tại Mỹ Tho và nhưng lớn lên ở Sài Gòn. Cô là chị cả trong một gia đình có sáu chị em (hai trai và bốn gái).

Từ khi mới 5 tuổi, ba của Hoàng Oanh (lúc đó có mở một lớp nhạc ở nhà) đã nhận thấy khiếu ca hát của cô con gái đầu nên hướng cho cô đi hát từ rất sớm. Nhờ được nghe các anh chị trong lớp nhạc của cha hát nên Hoàng Oanh hát theo. Cô cũng được nhạc sĩ Lê Thương (bạn thân của cha) hướng dẫn thêm.

*

Hoàng Oanh năm 10 tuổi

Cũng từ lúc 5 tuổi đó, Hoàng Oanh tham gia cuộc thi tuyển lựa ca sĩ của Đài Phát Thanh Pháp Á (Radio France Asie) tổ chức và đoạt giải nhất với số điểm 18.30. Năm 6 tuổi, cô được mời hát cho Ban Nhi Đồng của Đài Pháp Á, dưới quyền điều khiển của nhạc sĩ Trần Văn Lý, phát thanh vào thứ ba và thứ sáu hàng tuần. Năm 8 tuổi, cô được trình diễn lần đầu tiên trên sân khấu của Liên Trường Võ Khoa Thủ Đức với hai bài hát: Có Một Đàn Chim (của Phan Huỳnh Điểu) và Hương Lúa Miền Nam (của Phó Quốc Lân).

*

Năm 12 tuổi (1958), Hoàng Oanh gia nhập Ban Thiếu Nhi của Đài Quân Đội, do nhạc sĩ Lê Đô đảm trách, cùng thời với Tuấn Ngọc, Quốc Thắng, Tuấn Tùng, Phương Lan và Kim Chi… Trên Đài Quân Đội, Hoàng Oanh thường song ca cùng Tuấn Ngọc những nhạc phẩm như: Thuyền Trăng (Nhật Bằng & Thanh Nam) và Gió Hiền (Văn Phụng)… Ở Ban Thiếu Nhi này, do trùng tên với ca sĩ khác tên Kim Chi (thần đồng Quốc Thắng – Kim Chi) nên nghệ danh của cô được đổi thành Hoàng Oanh cho đến bây giờ. Cái tên Hoàng Oanh được thân phụ của cô đặt dựa theo những lời hát của Lê Thương:

“Chờ tin thơ chim Hoàng Oanh đưaCòn xa bay trong áng sương mờ…” ( bài Bản Đàn Xuân, Lê Thương)

*

Đó cũng là thời điểm Hoàng Oanh bắt đầu biết ngâm thơ, cô cũng là người đầu tiên thể hiện hình thức ngâm thơ trước mỗi bài hát, từ đó về sau trở thành một đặc trưng riêng trong sự nghiệp ca hát. Ngoài những bài hát mà nhạc sĩ để sẵn đoạn thơ mở đầu để ca sĩ ngâm, như là Hòn Vọng Phu, Buồn Chi Em Ơi… thì đa số các bài hát khác, Hoàng Oanh phải tự tìm một đoạn thơ phù hợp với bài hát để ngâm. Nhạc sĩ Lê Thương đã nhận xét:

“Dễ thương nhất có tiếng ngâm vượt núi của Hoàng Oanh, nõn nà, cao vút đến mây xanh, nghe mát mẻ như gió chiều hồ Lăng Bạc. Giọng hát Hoàng Oanh dìu dặt dâng lên nỗi niềm u uất tự ngàn xưa, vun vút lao về phủ nặng tâm tư, rồi êm ả quyện hương vị ngọt ngào của vườn cây trái bát ngát lúa đồng, ve vuốt từng ngọn cỏ mềm khắp nơi hoang dã, hun hút trong thâm u…”

Thời gian sau này Hoàng Oanh cũng có tham gia ngâm thơ trong ban Tao Đàn nổi tiếng của thi sĩ Đinh Hùng phụ trách, cùng các ban khác như Thi Nhạc Giao Duyên, ban Tiếng Thơ…

*

Cũng trong năm 1958, Hoàng Oanh hát cho Ban Tuổi Xanh của kịch sỹ Kiều Hạnh và Phạm Đình Sỹ ở Đài Phát Thanh Sài Gòn. Lúc đó Mai Hương và Bạch Tuyết đã quá tuổi nên rời ban thiếu nhi Tuổi Xanh để hát nhạc người lớn nên Hoàng Oanh và 1 vài người bạn cùng trang lứa khác được nhận vào để trám chỗ. Cô thường đơn ca hoặc hợp ca cùng các bạn nghệ sĩ ở độ tuổi thiếu nhi những bài hát như: Một Đàn Chim Nhỏ (Phạm Duy), Học Sinh Hành Khúc (Lê Thương), Chị Hằng (Minh Kỳ), Thằng Cuội (Lê Thương), Em Bé Quê (Phạm Duy) và Mùa Thi (Đỗ Kim Bảng)…

Hoàng Oanh hát ở Ban Tuổi Xanh được 2 năm thì chuyển sang Ban Việt Nhi của nhạc sĩ Nguyễn Đức thường hát trên đài phát thanh.

Lần thu âm trong dĩa nhựa đầu tiên của Hoàng Oanh vào năm 1961, nhưng không phải là hát, mà cô ngâm thơ trong dĩa Sóng Nhạc, đầu tiên là bài Ngậm Ngùi của danh ca Anh Ngọc hát.

Hát ở Ban Việt Nhi chỉ được hơn 1 năm thì Hoàng Oanh chuyển sang hát ở các ban nhạc người lớn ở các đài phát thanh Sài Gòn (còn gọi là đài Quốc Gia hay Vô Tuyến Việt Nam), đài Quân Đội, Tiếng Nói Tự Do và Mẹ Việt Nam như các ban sau:

Tiếng Tơ Đồng (của Hoàng Trọng)Tiếng Thùy Dương (của Châu Kỳ)Trường Sơn (của Duy Khánh)Hải Sơn (của Nghiêm Phú Phi)Cổ Kim Hòa Điệu (của Dương Thiệu Tước)Tiếng Hát Đôi Mươi (của Trần Thiện Thanh)Nhạc Vàng (của Phó Quốc Lân)Tiếng Hát Hậu Phương (của Phạm Mạnh Cương)Hoàng LangY VânVõ Đức ThuTiếng Ca Gửi Người Tiền TuyếnChương trình Thẩm Thúy Hằng (của Nha Tâm Lý Chiến)…

*

Đến năm 1963, ở tuổi 17, Hoàng Oanh mới được mời thu âm nhiều ca khúc nhạc vàng cho Hãng Dĩa Việt Nam trong dĩa nhựa 45 vòng, với bài hát đầu tiên Nếu Một Mai Anh Biệt Kinh Kỳ (Hoài Linh). Tiếp theo là các bài: Đèn Khuya (Lam Phương, 1962), Xa Vắng (Y Vân, 1963), Tình Chàng Ý Thiếp (Y Vân), Sương Lạnh Chiều Đông (Mạnh Phát, 1965), Một Chuyến Xe Hoa (Minh Kỳ & Dạ Lý Hương) và Chuyến Tàu Hoàng Hôn (Minh Kỳ & Hoài Linh, 1965)…

Ngoài Hãng Dĩa Việt Nam thì Hoàng Oanh ký hợp đồng thâu dĩa với các hãng dĩa Asia Sóng Nhạc, Sơn Ca, Continental, Thiên Thai, Vô Tuyến…

*

Từ giữa thập niên 1960, khi đài truyền hình Sài Gòn được thành lập, Hoàng Oanh bắt đầu góp mặt thường xuyên trên màn ảnh nhỏ trong nhiều ban ca nhạc khác nhau như: Hương Thời Gian (của Nguyễn Văn Đông), Hoa Thời Đại (của Phạm Mạnh Cương và Như Hảo), Tiếng Tơ Đồng (của Hoàng Trọng), Tiếng Hát Đôi Mươi (của Trần Thiện Thanh), Lan Đài, Nguyễn Đức…

Sang thập niên 1970, khi dĩa nhựa thoái trào, các loại băng cassette, magnetic bắt đầu phát triển và thịnh hành, Hoàng Oanh cộng tác với nhiều hãng thu băng như: Hoàng Thi Thơ, Họa Mi, Âm Thanh, Nguồn Sống, Nhã Ca, Shotguns, Thanh Thúy, Trường Sơn, Tiếng Hát Đôi Mươi, Phạm Mạnh Cương, Tiếng Thùy Dương…

*

Ca sĩ Hoàng Oanh và nhạc sĩ Mai Châu năm 1972

Năm 1972, ca sĩ Hoàng Oanh lập gia đình với Mã Gia Minh (tức nhạc sĩ Mai Châu – tác giả của ca khúc nổi tiếng Một Người Đi). Họ đã có một chuyện tình rất đẹp trước khi cưới 9 năm (năm 1963), sau khi kết hôn thì sống thuận hòa cho đến ngày nay, với một cuộc hôn nhân được nhiều người ngưỡng mộ.

Xem thêm:

Có một điều đặc biệt, là Hoàng Oanh đã hiện diện ở hầu hết mọi nơi của làng nhạc Sài Gòn trước năm 1975, trong suốt 20 năm: Tiếng hát Hoàng Oanh có trên làn sóng phát thanh, đài truyền hình, các dĩa hát, tờ nhạc và báo chí… nhưng cô chưa bao giờ hát ở phòng trà hay vũ trường ở Sài Gòn.

Hoàng Oanh từng giải thích về điều này: “Thời gian đó, Hoàng Oanh còn đang đi học. Ngoài thời gian đến đài phát thanh và đến trường, Hoàng Oanh phải tập trung học bài và ôn thi. Và Hoàng Oanh nhận thấy không khí náo nhiệt ở phòng trà hay vũ trường không phù hợp với tính tình hiền hòa, nhút nhát của Hoàng Oanh. Vào thời gian đó, nhạc sĩ Phạm Đình Chương có mời Hoàng Oanh hát cho phòng trà Đêm Màu Hồng của ông nhưng Hoàng Oanh từ chối vì bận chuyện bài vở vào buổi tối. Hoàng Oanh chỉ thỉnh thoảng nhận lời hát cho các đại nhạc hội”.

*

Dù rất bận rộn trong sự nghiệp ca hát đỉnh cao, nhưng Hoàng Oanh là nữ ca sĩ rất hiếm hoi cố gắng theo đuổi việc học đến nơi đến chốn. Cô học trung học ở trường nữ Gia Long nổi tiếng, sau đó tốt nghiệp Đại Học Văn Khoa ban Sử Địa.

Hoàng Oanh cùng gia đình di tản sang Hoa Kỳ vào ngày 29 tháng 4 năm 1975, bỏ lại cuộc đời hào quang để bắt đầu những năm tháng tha hương ở Hải Ngoại.

Ban đầu, gia đình Hoàng Oanh – Mai Châu chọn cư ngụ tại tiểu bang New Jersey sau khi tạm trú 3 tháng trên đảo Guam. Năm 1976, Hoàng Oanh sang Pháp lưu diễn cùng Khánh Ly, đồng thời tham gia vào đoàn văn nghệ của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ trình diễn tại rạp Maubert Mutualité (Paris).

Thời gian sau đó, trên đất Hoa Kỳ, cô thành lập Trung tâm băng nhạc Hoàng Oanh để sản xuất và phát hành các cassette và khoảng 30 CD nhạc và ngâm thơ.

*

Kể từ năm 1996, Hoàng Oanh bắt đầu hát và thu hình cho Trung tâm Asia, cô góp mặt lần đầu trong bài hát Chuyện Một Chiếc Cầu Đã Gãy của Trầm Tử Thiêng trên chương trình Asia 11. Màn trình diễn này đã để lại dấu ấn sâu đậm với khán giả, không chỉ vì giọng hát, mà còn nhờ diễn xuất rất nhập tâm của ca sĩ Hoàng Oanh trong hai giai đoạn của chiếc cầu Trường Tiền bị gãy. Từ sau đó, Hoàng Oanh góp mặt thường xuyên trong những chương trình thu hình đặc biệt của Trung tâm Asia cho đến khi trung tâm này ngừng hoạt động nhạc hội năm 2016.

Click để nghe Hoàng Oanh hát Chuyện Một Chiếc Cầu Đã Gãy

Kể từ năm 2003, Hoàng Oanh bắt đầu hát và thu hình cho Paris By Night của Trung tâm Thúy Nga. Chương trình đầu tiên có sự góp của Hoàng Oanh là Paris By Night 70 chủ đề Thu Ca. Cô đã ngâm thơ và trình diễn bài hát Tình Yêu Trả Lại Trăng Sao của nhạc sĩ Lê Dinh.

Xem thêm: Vang Danh Mạng Xã Hội Gỏi Thái Ty Thy Về Ty Thy, Gỏi Thái Tythy Về Ty Thy

Với giọng hát ngọt ngào, phong phú cùng lối trình diễn trang nghiêm, thanh nhã, nụ cười e ấp, hiền lành, Hoàng Oanh được nhiều thế hệ hệ nghệ sĩ mến mộ và yêu thích từ những người đã nổi danh trước 1975 như Thanh Lan, Phương Hồng Quế, Bạch Lê (hồ quảng), Hương Lan cho đến lớp ca sĩ sau này tại Hải Ngoại như Như Quỳnh, Tâm Đoan và Mai Thiên Vân… Lối phát âm, ngâm thơ, cách hát tròn vành rõ chữ và đầy cảm xúc của cô ít nhiều đã ảnh hưởng đến những thế hệ tiếp nối.