Du đãng ở Sài Gòn trước năm 1975 có đến hàng ngàn, du đãng có “số má” cũng lên đến hàng chục, hàng trăm.

Bạn đang xem: Tuttle english

Những những tên du đãng để lại dấu ấn đậm trong thế giới giang hồ Sài Gòn chỉ khoảng 10 người. Còn những tên du đãng “khét tiếng” cả trước và sau năm 1975 chỉ có vài người, trong đó Lâm Chín ngón và Năm Cam. Lâm Chín ngón có “duyên nợ” cả với trùm du đãng trước năm 1975 là Đại Cathay và với trùm xã hội đen sau này là Năm Cam.

Nếu như Đại Cathay đưa Lâm Chín ngón lên hàng “chiếu trên” của thế giới giang hồ Sài Gòn thì Năm Cam đã đặt dấu chấm hết cuộc đời du đãng của Lâm Chín ngón với cú tạt a xit kinh hoàng. Lâm Chín ngón cũng là tội phạm ở tù “xuyên” 2 thời kỳ, trước và sau năm 1975, mỗi thời kỳ trên dưới 10 năm…

Người ơn của Đại Cathay

Lâm Chín ngón tên thật là Lê Ngọc Lâm. Trong một lần liều chết để cứu “chủ tướng” là Đại Cathay, Lâm đã bị đối phương chém rùng 1 ngón tay, hai bàn tay chỉ còn lại 9 ngón, vì vậy mà có biệt danh “Lâm Chín ngón”.

Sinh năm 1945 tại Hà Tây, trong một gia đình Công giáo, Lâm đã cùng gia đình di cư vào Năm lúc mới 9 tuổi. Tại Hố Nai (Biên Hòa), gia đình Lâm đã gặp nhiều biến cố, suy sụp, mới 12 tuổi Lâm đã bị xô ra xã hội, rồi được đưa vào làng cô nhi Thủ Đức, nơi nuôi dạy những đứa trẻ lang thang, không nơi nương tựa.

Tại làng cô nhi, Lâm tiếp tục được học đến “tú tài”, nhưng cũng nơi đây đã “dạy” cho Lâm làm “giang hồ vặt” khi Lâm cũng những đứa trẻ cô nhi khác đã lân ra ra ngoài nhập vào đám quân bụi đời, bán báo trước làng cô nhi… Những trận đụng độ xảy ra như cơm bữa đã biến Lâm từ một cậu bé sùng đạo, hiền lành thành một kẻ ngang tàng, bất chấp và rất lì đòn.

Năm 1963, Lê Ngọc Lâm bị bắt quân dịch. Trong thời gian “ba tháng quân trường”, Lâm đã bỏ trốn về Sài Gòn sống lang thang, được Đại Cathay nhận vào băng du đãng mới nổi lên ở khu Da Heo quận 1.

Có chút học thức, đánh đấm giỏi, lại lỳ đòn, Lâm nhanh chóng được Đại Cathay tin dùng trong các trận thư hùng nhằm tranh giành lãnh địa. Không bao lâu, Lâm trở thành trợ thủ đắc lực của Đại.

Một lần, Đại Cathay dắt quân tập kích vào khu vực rạp Hào Huê ở quận 5, là lãnh địa của băng du đãng Hắc Đạo người Hoa do Tín Mã Nàm làm thủ lĩnh. Băng Hắc Đạo không đương đầu nổi với băng của Đại Cathay, nên bỏ chạy.

*

Lâm Chín ngón thời trẻ

Say men chiến thắng, Đại bị băng Hắc Đạo dụ chạy sâu vào trong các con hẻm, sau đó hạ cửa sắt bít đường rút đầu các hẻm lại và phản công. Băng của Đại Cathay chỉ khoảng 10 người, trong khi băng của Hắc Đạo mấy chục tên với đủ thứ “đồ chơi”. Đại và các “chiến hữu” rơi vào cửa tử, bị đánh, chém tơi tả, chống cự trong vô vọng.

Trong lúc bế tắc, Lâm đã liều chết mở đường máu, tiếp cận được cửa hậu, dùng “đại dao” chém đứt được sợi dây xích khóa cửa, rồi tả xung hữu đột giúp Đại Cathay tháo chạy thoát thân. Trong trận này Lâm bị chém rớt ngón cái trên bàn tay phải, biệt danh Lâm Chín ngón bắt đầu từ đó, do chính Đại Cathay đặt.

Không chỉ 1, mà đến 2 lần Lâm cứu Đại Cathay thoát chết. Lần sau là vào năm 1966, tại nhà hàng Olympic, Đại Cathay và các “chiến hữu” bất ngờ bị đám vệ sĩ của tướng cảnh sát Nguyễn Ngọc Loan tấn công bằng vũ khí “nóng” (dùng súng).

Đại Cathay bị bắn bể đầu gối, nằm quỵ xuống sàn, Lâm Chín ngón đã lấy thân che đạn cho “chủ tướng”, vừa bắn chặn đối phương, rồi dìu Đại Cathay thoát khỏi “chiến địa” nồng nặc mùi khói súng.

May mắn Đại Cathay và Lâm Chín ngón khi người tài phán của vũ trường đã cắt cầu dao điện, cả vũ trường chìm trong bóng tối, những làn đạn đan xen nhau trong bóng đêm, nhờ vậy mà Lâm Chín ngón và Đại Cathay mới thoát thân được an toàn.

Cuối năm 1966, Tổng giám đốc Nha Cảnh sát Đô thành – chuẩn tướng Nguyễn Ngọc Loan – mở chiến dịch bài trừ du đãng.

Hàng loạt du đãng cộm cán ở Sài Gòn bị bắt, trong đó có Đại Cathay và Lâm Chín ngón. Cả bọn bị chở ra “Trung tâm cải huấn” trên đảo Phú Quốc, nơi được giới tội phạm đặt lại tên là Trại Cửu Sừng, lấy tên một quân bài trong bộ bài mạt chược.

Đầu năm 1967, Đại Cathay cùng một nhóm tù du đãng tổ chức vượt ngục với kế hoạch khá mạo hiểm và chu đáo, sau khi thoát khỏi trại sẽ có tàu cao tốc đón đưa về đất liền. Biết cuộc vượt ngục này “lành ít dữ nhiều”, Đại Cathay không muốn cho Lâm Chín ngón, người ơn đã 2 lần cứu Đại thoát chết, tham gia.

Theo ý của Đại, nếu lỡ “có bề nào” thì “sự nghiệp” của Đại cũng còn có người đáng tin cẩn là Lâm Chín ngón nối nghiệp.

Trước khi chia tay không biết là sinh ly hay tử biệt, Đại bắt Lâm thề phải bỏ ma túy, đồng thời tự tay Đại chích 1 liều ma túy cuối cùng cho Lâm Chín ngón.

Liều ma túy nặng gấp đôi bình thường ấy đã làm Lâm say ngủ như chết và nằm lại trại, đến ngày hôm sau khi tỉnh dậy thì Lâm nhận được hung tin: Đại Cathay và gần một chục tên vượt ngục khác sau khi ra khỏi trại đã bị phát hiện và truy sát, tất cả đều bị bắn chết.

Về sau, Lâm mới biết rằng chính tướng Nguyễn Ngọc Loan đã “gài” vụ cượt ngục này để ra tay hạ sát Đại Cathay vì Đại đã dám “vuốt râu hùm” – hạ sát một cận vệ của Nguyễn Ngọc Loan ở Sài Gòn.

Trong tù 2 lần giết người

Sau khi Đại Cathay bị bắn chết ở Phú Quốc, Lâm Chín ngón ở tù thêm một thời gian, cuối năm 1969 được thả ra. Trở về đất liền, băng du đãng của Đại Cathay đã tan rã, không còn chỗ cho Lâm Chín ngón dựa, “người kế thừa sự nghiệp Đại Cathay” không đủ sức xưng hùng, xưng bá để thu thuế, lấy xâu như trước nữa.

Lâm Chín ngón trở lại thế giới du đãng bằng nghề đi cướp đường bằng xe gắn máy. Chẳng bao lâu, đường phố Sài Gòn đã bị ám ảnh bởi một tên cướp chạy xe như bay, thách thức lực lượng cảnh sát.

Lâm đi cướp bằng xe Honda 67, loại mới nhập cảng vào Sài Gòn, Lâm đem về “đôn dên” để tăng dung tích xi lanh cho xe.

Tốc độ thiết kế của xe Honda 67 tối đa là 90km/h, Lâm Chín ngón “cải tiến” nâng lên ngoài 100km/h, các phương tiện giao thông chuyên dùng của cảnh sát cũng phải chào thua. Lâm Chín ngón thường ra tay cướp của ở trước cửa các ngân hàng, nạn nhân là những người vừa lĩnh tiền từ ngân hàng ra.

“Ăn bay” được đúng 1 năm, vào cuối năm 1970, Lâm Chín ngón đã xui rủi va chiếc xe Honda 67 vào chiếc xe xích lô khi hắn đang cố chạy thoát sau 1 vụ cướp.

Chiếc xe bị ngã ra đường, Lâm chưa kịp bò dậy chạy tiếp thì cảnh sát đã ập đến, bắt Lâm tống vào trại giam Chí Hòa. “Kinh nghiệm” ở tù ngoài Phú Quốc trước đó đã giúp Lâm Chín ngón nhanh chóng trở thành “đại bàng” trong trại giam.

Cảnh sống trong tù và ngoài đời đối với Lâm Chín ngón không mấy khác nhau, tức cũng cướp bóc, ăn nhậu, bài bạc, hút sách… “Đại bàng” mới Lâm Chín ngón vào trại đã sớm đụng chạm với những “cựu tù” có số má trong khám Chí Hòa, bắt đầu xảy ra những cuộc đâm chém tranh giành ngôi vị, lãnh địa trong trại giam.

Giám thị, cai tù thì bị vô hiệu hóa bởi “đạn” bắn từ bên ngoài – người thân của các “đại bàng” dùng tiền mua chuộc giám thị, cai ngục.

Trong trại giam Chí Hòa không thiếu thứ gì, bên ngoài có gì thì trong trại giam cũng có thứ ấy, nếu như người tù có nhu cầu và có tiền.

Thậm chí có lần Lâm Chín ngón chơi ngông, đặt tiệc ở nhà hàng bên ngoài, họ mang vào tù tất cả những món ngon vật lạ bảo đảm vẫn còn nóng sốt.

Trại Chí Hòa lúc đó có khoảng 2.000 phạm nhân. Rất nhiều người trong họ là đệ tử của “nàng tiên nâu” lúc ở ngoài đời, khi vào tù họ cũng có nhu cầu hút chích. Bán thuốc phiện ngoài đời đã siêu lợi nhuận, bán “cái chết trắng” trong tù lại càng lời “khủng”.

Lâm Chín ngón độc quyền bán thuốc phiện ở khu FG, sau đó mon men mở rộng lãnh địa ra toàn trại giam Chí Hòa. Lúc ấy, ở khu AB quyền cung cấp thuốc phiện thuộc về một “đại bàng” có tên là Chương khùng.

Bị Lâm Chín ngón tranh giành chuyện làm ăn trong tù, Chương “khùng” tức tối chuẩn bị kế hoạch xử Lâm Chín ngón.

Một buổi chiều, khi Lâm Chín ngón đang chơi bóng chuyền ở sân trại, một đàn em cấp báo cho y biết có Chương “khùng” tới tìm. Bỏ ngang trận đấu bóng chuyền, Lâm Chín ngón ra cửa gặp Chương “khùng”.

Một cuộc tỉ thí đã xảy ra, phần thắng thuộc về Lâm Chín ngón, Chương “khùng” thua trận bỏ chạy về “méc” cho đại ca của mình là Cương Võ sĩ. Cương võ sĩ tên thật Vũ Đình Cương là một võ sĩ quyền anh nổi danh khắp miền Nam, qua cả Campuchia. Cương bị bắt vì tội buôn ma túy.

Là một võ sĩ, lại là em ruột của Sơn Đảo, một trùm du đãng ở Sài Gòn thời bấy giờ ở bên ngoài, nên trong tù uy thế của Cương rất lớn, trở thành trùm du đãng trong trại Chí Hòa.

Khi các băng nhóm trong trại có xích mích, chỉ cần Cương đứng ra nói một lời là tất cả đều răm rắp tuân theo. Tuy nhiên, Cương ít khi lộ diện đâm chém, vì vậy nên y mới được gán cho biệt danh “Hiệp sĩ trong bóng tối”.

Thấy đàn em tên Chương “khùng” ôm đầu máu chạy về vì bị Lâm Chín ngón hạ thủ, Cương võ sĩ tức giận chửi: “Đ.M nó! ở đây tao là đàn anh hay thằng Lâm là đàn anh? Nó muốn qua mặt tao hả, để tao cho nó một bài học!”. Cương hùng hổ dẫn một mấy đệ tử sang khu FG để hỏi tội Lâm Chín ngón.

Phần Lâm Chín ngón, sau màn ra tay khá nặng với Chương “khùng”, đang ngồi nghỉ thì một tên đàn em chạy vào cấp báo có Cương võ sĩ đến hỏi tội.

Lâm Chín ngón lặng lẽ đứng dậy, nhét con dao lá lúa vào người, rồi đi ra cửa khám. Chạm mặt nhau, Cương Võ sĩ hất hàm hỏi: “Ở đây mày với tao ai là đàn anh?”.

Xem thêm:

Không đợi Lâm trả lời, Cương Võ sĩ ỷ thế giỏi võ đã tung ngay một cú đấm như trời giáng vào mặt Lâm.

Dù đã có ý đề phòng, nghiêng người né tránh, nhưng cú đấm của Cương Võ sĩ quá chuyên nghiệp, nên Lâm cũng bị dính đòn sượt ngang mặt. Cú đấm quá mạnh không thật trúng đích đã làm Cương Võ sĩ bị lỡ đà, ngã chồm về phía trước.

Lâm Chín ngón lợi dụng khoảnh khắc đó, chộp cổ áo Cương Võ sĩ và rút dao… Những đàn em của Cương Võ sĩ chỉ kịp thấy ánh thép lóa lên, tiếp theo là tiếng “ực” rất gọn của Cương Võ sĩ, tên trùm du đãng trong trại giam Chí Hòa ngã vật ra sàn, chết ngay lập tức vì nhát dao đâm trúng tim.

Lâm Chín ngón trước khi đưa tay cho cai ngục dẫn đi về trại biệt giam, còn kịp nhắn lại: “Tôi không cố ý, tại anh Cương… Thôi, anh em thắp cho ảnh mấy nén nhang giùm tôi”.

Tên trùm du đãng Sơn Đảo (tức Vũ Đình Khánh) bên ngoài nhận được hùng tin đứa em ruột bị giết chết trong trại giam Chí Hòa, đã tức lồng lộn, thề: “Tao mà không giết được Lâm Chín ngón thì sẽ từ bỏ thế giới giang hồ!”.

Sơn Đảo âm thầm lên kế hoạch giết Lâm Chín ngón: Gửi sát thủ từ bên ngoài vào hoặc nhờ một tay giang hồ nào đó trong trại Chí Hòa giết chết Lâm Chín ngón. Cuối cùng, Sơn Đảo chọn phương án 2, tức người trong tù.

Đó là Nguyễn Văn Hoàng, tự Hoàng “đầu lâu”, vì trên bả vai của y có xăm hình chiếc đầu lâu. Hoàng Đầu lâu võ nghệ cao cường, mang đai đen tứ đẳng Taekwondo, từng thượng đài lúc chưa vô tù.

Sơn Đảo tiếp cận Hoàng “đầu lâu” bằng cách bỏ tiền mua một căn nhà mặt phố nhỏ đem tặng cho vợ con Hoàng đang sống chui rúc trong nhà trọ nơi hẻm sâu ở quận 8. Sau đó Sơn Đảo lại sang một sạp vải ở chợ cho vợ Hoàng đứng bán, làm kế sinh nhai. Chỉ cần như thế, Hoàng “đầu lâu” trong tù đã chấp nhận thực hiện yêu cầu của Sơn Đảo.

Lúc ấy, Hoàng “đầu lâu” đang mang án tù nhẹ, không chung khu giam giữ với tù trọng án, nên không thể tiếp cận được Lâm Chín ngón. Sơn Đảo đã dày tổ chức cho Hoàng phạm tội ngay trong tù để thành tù trọng án.

Lúc ấy, trong trại Chí Hòa có một cai ngục là trung sĩ Cách rất hống hách, ăn chặn tiền bạc, đồ ăn của tù nhân. Hoàng “đầu lâu” đã đón chặn trung sĩ Cách chém rớt sóng mũi của y, máu tuôn xối xả, trung sĩ Cách ôm mặt quằn quại…

Sau đó, Hoàng “đầu lâu” nghiễm nhiên trở thành tù trọng án. Ở bên ngoài, Sơn Đảo tiếp tục bung tiền lo lót với giám thị, cai tù để cho Hoàng “đầu lâu” chuyển sang ở cùng một buồng giam với Lâm Chín ngón.

Từ sau khi giết Cương Võ sĩ, Lâm Chín ngón hình dung rằng thế nào Sơn Đảo ở ngoài cũng tìm cách trả thù. Vì vậy mà khi theo dõi câu chuyện Hoàng “đầu lâu” chém trung sĩ Cách, rồi bất ngờ tên tội phạm này được đưa về giam chung buồng với mình, kèm theo những lời thì thào to nhỏ trong đám giang hồ trong trại giam, Lâm thừa biết Hoàng sắp giết ai.

Lâm Chín ngón âm thầm chuẩn bị cho cuộc tỉ thí. Lâm nhờ đàn em kiếm một chiếc quai đeo ba lô hình chữ X bằng inox đem vào trại giam.

Chờ lúc Hoàng “đầu lâu” ra khỏi phòng, Lâm lấy thanh inox ra mài xuống sàn xi măng thành một lưỡi dao nhọn.

Xong Lâm nhờ người mua cho mình một chai rượu Remy Martin về mời Hoàng “đầu lâu” nhậu. Không chút suy xét, Hoàng “đầu lâu” nốc rượu thoải mái sau bao ngày nhịn thèm.

Say rượu, Hoàng “đầu lâu” nằm lăn ra ngủ. Lâm Chín ngón lẵng lặng nấu nồi nước “để tắm”. Khi nước vừa sôi, Lâm bê nguyên cả nồi đổ ụp xuống mặt Hoàng “đầu lâu”, xong rút dao tự chế đâm Hoàng “đầu lâu” tổng cộng 37 nhát, cho đến khi nạn nhân tắt thở.

Khi Lâm Chín ngón đến báo mình đã giết người, viên cai ngục đang ngủ gà ngủ gật vẫn không tin. Đến khi chạy vào, nhìn xác Hoàng đẫm máu nằm thẳng đơ trên nền gạch, ông ta mới thất kinh hỏi Lâm Chín ngón: “Sao mày lại giết nó?”.

Lâm Chín ngón vứt dao, chùi máu đính trên tay, thản nhiên trả lời: “Tôi không đâm nó, nó cũng giết tôi! Tôi không còn con đường nào khác để chọn”. Lâm Chín ngón lại bị tống vào biệt giam.

Ở bên ngoài, Sơn Đảo lại lồng lộn thề thốt sẽ tìm cách giết Lâm Chín ngón cho bằng được. Nhưng chưa kịp nghĩ ra cách nào giết Lâm thì chính Sơn Đảo đã bỏ mạng bởi một đàn em làm phản. Trong tù hay tin, Lâm Chín ngón thở phào.

Người chủ quán thịt chó

Ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Lâm Chín ngón đang trong trại giam. Lâm Chín ngón tiếp tục sống trong trại giam từ Chí Hòa, đi Côn Đảo, về trại cải tạo Cà Mau, sang Trại Z30D Hàm Tân, Bình Thuận, lại chuyển qua trại Phú Sơn, Phú Khánh.

Năm 1988, Lâm Chín ngón được trả tự do sau 18 năm ở tù qua 2 thời kỳ. Trở về đời thường, Lâm tỏ ra chí thú làm lại cuộc đời.

Năm 1993, Lâm cưới vợ và sinh con, cùng vợ mở một quán thịt chó bình dân trên đường 3-2, quận 10 TP.HCM. Tưởng như tên trùm du đãng ngày nào giờ đã lo chí thú làm ăn, làm lại cuộc đời, đoạn tuyệt hẳn với giới giang hồ.

Nhưng, nghiệp chướng tiếp tục đeo bám, không để cho Lâm an phận với cuộc hoàn lương. Một ngày cuối năm 1994, có 3 tên “xã hội đen” còn trẻ là chỗ quen biết vào quán thịt chó của Lâm ăn nhậu.

Rượu vào, lời ra, bọn chúng kể cho Lâm nghe một “phi vụ” mà chúng vừa thực hiện: Bảo kê các cảng cá Vũng Tàu, Long Hải và Phước Tĩnh. Có tiền, bọn chúng đã “đập phá” ở thành phố biển, bị công an tạm giam và tịch thu xe…

Bọn chúng nhờ “anh Lâm” xuống Vũng Tàu xin lại xe máy chúng. Vào một ngày Tết năm 1994, Lâm cùng ba tên xuống Vũng Tàu.

Dù đã “gác kiếm từ lâu”, nhưng uy danh của “Lâm Chín ngón” vẫn chưa phai trong giới xã hội đen ở Vũng Tàu, nhờ vậy mà y không khó nhờ “anh em” giúp xin lại được mấy chiếc xe.

Để trả ơn, mấy tên “đàn em” đã bao cho “đại ca Lâm” ăn chơi mấy ngày và chính thức mời “anh Lâm” xuống Vũng Tàu hợp tác “làm ăn”.

Thấy nguồn lợi quá lớn, so với quán thịt chó kiếm “bạc cắc” hàng ngày, Lâm Chín ngón đồng ý. Ở Vũng Tàu, sự có mặt của Lâm Chín ngón đã khiến các băng nhóm lưu manh khác khiếp vía, dạt ra hết, tạo điều kiện cho Minh Samasa và Dũng Ba lém tha hồ độc chiếm cảng cá, tha hồ nâng hạ giá, bán mua tùy ý để làm giàu.

Đổi lại, Lâm Chín ngón chỉ việc chường mặt ra cảng cá nhưng không phải mó tay vào bất cứ việc gì, mọi chi phí ăn uống chơi bời đều được “bao cấp”, kèm số lương 5 triệu đồng một tháng. Thấy đất Vũng Tàu làm giàu quá dễ, Lâm Chín ngón nảy ra ý đồ làm ăn riêng, tranh giành lãnh địa cho riêng mình.

Tuy có “số má” nhưng thế cô, Lâm Chín ngón không đương đầu nổi với đám giang hồ Vũng Tàu, nên chỉ một thời gian Lâm bị đánh bật, phải trở về với quán thịt chó ở Sài Gòn.

Bất ngờ, vào khoảng 8 giờ tối ngày 14.7.1999, khi Lâm chở vợ và đứa con trai 6 tuổi đi ăn ở quán Lồi (cư xá Bắc Hải, quận 10), tai họa đã ập xuống và chôn vùi vĩnh viễn tương lai của Lâm Chín ngón.

Khi Lâm vừa dựng xe cho vợ con bước xuống, một kẻ lạ bất ngờ tạt thẳng vào mặt Lâm một ca đầy a xít. Lâm đau đớn, ôm mặt ngã xuống mặt đường quằn quại.

Trận đòn thù quá hiểm ác, làm Lâm biến dạng toàn bộ khuôn mặt, hai tai rụng, mũi rụng, cằm chảy ra dính chặt vào ngực, hai mí mắt cũng chảy ra dính vào nhau, bịt kín con mắt, hai mắt gần như mù lòa…

*

Lâm Chín ngón sau khi bị tạt axit

Dù vậy, Lâm Chín ngón không cho vợ con, gia đình thưa, báo công an. Lâm cho rằng, tai vạ xảy ra chính là nghiệp chướng mà anh ta đã vay thì phải trả. Thậm chí, anh ta cho rằng kẻ hại mình đã chơi đúng luật giang hồ, chỉ xử Lâm chứ không hề đụng đến vợ con y…

Thật ra, Lâm Chín ngón biết rất rõ ai là kẻ ra tay hại mình, nhưng vì để giữ sự bình yên cho vợ con, Lâm đành ôm hận, nín lặng. Mà nếu muốn làm gì thì Lâm cũng cũng có đủ lực, trong khi người ám hại Lâm lại là một trùm giang hồ mới.

Cho đến tháng 12.2001, khi Năm Cam bị tóm cổ, Lâm Chín ngón đã lập tức tìm đến cơ quan công an để tố cáo chính Năm Cam là kẻ chủ mưu trong vụ tạt a xít ám hại Lâm.

Toàn bộ sự thật đã được phơi bày. Năm 1988, khi Lâm Chín ngón được trả tự do trở về Sài Gòn, chính Năm Cam đã dang tay giúp đỡ, tạo điều kiện cho Lâm sinh sống, cưới vợ.

Vậy mà, sau khi bị đám giang hồ đánh bật khỏi các cảng cá ở Vũng Tàu, nghi là có bàn tay của Năm Cam, Lâm Chín ngón đâm hận Năm Cam và “lấy oán trả ân”.

Về thành phố Hồ Chí Minh, đi đâu Lâm cũng rêu rao thoá mạ, công khai chửi bới, coi thường uy thế của Năm Cam. Thậm chí có lần, vào năm 1998, Lâm chủ động mời Năm Cam (cùng nhiều tay trong giới xã hội đen) đến một nhà hàng trên đường Trần Hưng Đạo ăn nhậu. Khi Năm Cam bước vào, những tên thuộc hàng đàn em đều nhất loạt đứng lên chào “anh Năm”.

Bất ngờ, Lâm Chín ngón gầm lên: “Thằng Năm Cam là cái đếch gì mà tụi bay phải bợ đỡ. Tao coi nó là cái đinh. Đ.M, thằng nào quị luỵ Năm Cam thì đừng coi tao là đàn anh nữa!”.

Bất ngờ bị Lâm Chín ngón chửi bới, hạ nhục, nhưng Năm Cam vẫn tươi cười: “Anh Lâm say rồi! Tôi cũng hơi mệt, thôi anh em ngồi chơi, tôi về trước”.

Ngày 11.7.1999, Năm Cam cho gọi Dung Hà đến nhà riêng để nhờ “dạy” Lâm Chín ngón một bài học. Dung Hà nhận lời, tức thì Thọ Đại úy (cháu Năm Cam) mang về cho Dung Hà một can a xit đậm đặc…Sau đó 3 ngày sau, Lâm Chín ngón vĩnh viễn trở thành người tàn phế.

Xem thêm: Tiểu Sử Dương Gia My: Đến Với Nghệ Thuật Bằng Cú “Lội Ngược Dòng”

Cuộc đời Lâm Chín ngón có thể nói là điển hình cho giới du đãng Sài Gòn trước năm 1975: xuất thân từ trẻ bụi đời, lớn lên trong cô nhi viện; nhờ liều lĩnh, đánh đấm mà trở thành du đãng; giết người không gớm tay; vào tù ra khám như đi chợ; sau ngày giải phóng dù cố hoàn lương nhưng không chiến thắng được những cám dỗ; cuối cùng lại trở về với thế giới giang hồ và kết thúc cuộc đời trong cay đắng, tăm tối…

Con đường giang hồ vốn dĩ như thế, bước vào tội ác thì dễ nhưng khi muốn bước ra thì vô cùng khó khăn.

Đến cuối đời, hơn ai hết Lâm Chín ngón đã nhận ra điều đó, khi đã trở thành một kẻ tàn phế mù lòa. Câu chuyện của Lâm Chín ngón, và nhiều gương du đãng khác, rất đáng để nhiều người biết đến và suy ngẫm!