VHSG- Những ngày này, trong bao nhiêu những xì xào, lời vào tiếng ra về phiên tòa, về những thân phận con người, tôi không thể không nghĩ đến một việc BUỒN trong nghề báo của mình!

Một nỗi đau mất con, nỗi oan khuất của một người Mẹ! Phải, khi đó chưa có phong trào “Những việc cần làm ngay” của N.V.L.

Bạn đang xem: Nhà báo xuân ba

Mùa đông năm con khỉ vàng 1980 rét ghê rét gớm. Mì, bột, bo bo, khoai tây chiếm tới hai phần ba trong khẩu phần 13 kg lương thực một tháng khiến vóc dạng cái tuổi chưa “băm” như cánh phóng viên mới chúng tôi được tiếng là hăng mà cũng ngồi xẹp trong phòng thường trực he hé nhìn ra ngoài trời màu chì buốt lạnh chờ đến bữa chiều.

Một người đàn bà rất khó đoán tuổi nhưng đập vào mắt mọi người là cái nhìn bạc phếch từ gương mặt võ vàng và bà ăn mặc quá đỗi sơ sài mỗi chiếc áo len đan bằng thứ sợi tiết kiệm cho dù thời buổi ấy cũng coi là đường được, rụt rè bước vào phòng thường trực. Bà tới tòa soạn kêu trường hợp con trai bà là bộ đội bị bắt oan. Công an quận Ba Đình vu cho con bà tội trấn lột có vũ khí trên tàu, nhờ tòa soạn can thiệp giúp đỡ…

Chao ôi, những sự khiếu kiện vào cái thời điểm ấy! Mặc dù cũng khá “hăng” và cũng “máu” nghề nhưng cứ ngó các bậc đàn anh của chúng tôi trong cơ quan giải quyết những vụ việc đại loại như người đàn bà nọ thì cũng phải coi lại cho phần “máu mê” nghề nghiệp của mình. Cũng chả trách các anh và lứa chúng tôi được. Những từ như “công an”, “quân đội” khi đó thuộc về một địa hạt xa vời và bí hiểm nữa. Vậy tốt nhất là Ban ban đọc (chứ không phải cho phóng viên sục ngay hoặc làm cái công văn dõng dạc có chữ ký của Tổng biên tập như bây giờ) làm cái phiếu chuyển với khẩu khí rất rụt rè tới nơi nọ nơi kia. Tôi nhớ láng máng không phải chỉ có lần ấy, bà tới tòa soạn vài ba bận nữa nhưng khi nghe nói đã chuyển đơn tới nơi cần chuyển, bà lại lặng lẽ ra về…

*

Nhà báo Xuân Ba

Cái năm rét ghê rét gớm ấy cũng lùi xa… Rồi một ngày ở phòng thường trực của Tòa soạn, tôi giật mình kinh hãi nhận ra người đàn bà khuôn mặt võ vàng cái nhìn bạc phếch màu đông năm trước lù lù xuất hiện. Có điều bà mang khăn tang. Cũng khuôn mặt võ vàng ấy đang nức nở kêu khóc. Chất giọng đứt quãng tức tưởi báo cái tin con trai bà, năm ngoái bà đã tới kêu bị bắt oan ấy, đã chết rồi. Chết ở trại giam số 6 Nghi Kim, Nghệ Tĩnh (cái trại giam số 6 ấy sau này tôi mới biết đã giam oan Nguyễn Sĩ Lý trong vụ án “Người vô danh”). Và rồi thời gian cứ vùn vụt. Khi trên đầu nửa số tóc đã trắng phớ, tôi giật mình nhẩm lại những trường hợp như người đàn bà và nỗi oan mà mình đã gặp trong đời làm báo là không nhiều lắm…

***

… Tận những năm xa ấy bà là một cô gái không phải xinh đẹp nhưng trắng trẻo có duyên. Bà làm ở nhà máy đồ hộp xuất khẩu Hà Nội. Có một anh thương binh chống Pháp, bộ đội miền Nam tập kết đã tìm tới bà. Họ nên vợ nên chồng vào khoảng năm 1958. Một năm sau, đứa con trai bụ bẫm kháu khỉnh ra đời. Căn nhà lá trong khu tập thể mạn dưới Chợ Mơ gần nhà máy đồ hộp xuất khẩu tuy chật chội, vật dụng còn sơ sài nhưng ấm áp luôn đầy ắp tiếng cười trẻ thơ. Ba năm sau lại thêm cô con gái thứ hai. Có lẽ đó là những ngày ý nghĩa nhất của họ. Gọi là ý nghĩa nhất bởi khi hai đứa con đã nhinh nhỉnh, anh chồng nổi máu rượu chè bồ bịch. Cứ mỗi bận rượu vào là đập phá nhà cửa, đánh cả vợ. Chị vợ được cái tốt nhịn tuế tóa cười mỗi khi hàng xóm nhìn khuôn mặt sưng húp vì bị đánh “Nhà em thương binh nên nóng tính. Khi anh ấy la hét chửi bới các bác bỏ quá cho”. Anh chồng được thể càng làm quá.

Rồi những ngày sơ tán, một nách hai con thơ mãi trên tận Phú Thọ. Chị như con thoi khi thì xe đạp khi thì đi nhờ xe về Hà Nội đưa gạo mì mắm muối lên khu sơ tán của nhà máy. Đầu năm 1972, ba mẹ con theo nhà máy về Hà Nội. Ông chủ gia đình bé nhỏ này hầu như không ngó ngàng chi đến vợ con… Bom đạn mù trời tai họa rập rình mọi phía nhưng ba mẹ con đều an lành cho cả cái đận B.52 rải bom xuống Hà Nội. Năm 1978 cái năm bà quyết định ly dị người chồng bội bạc ấy cũng là năm cậu con trai Nguyễn Mạnh Hòa to cao trắng trẻo nặng 63 kg của bà lên đường nhập ngũ. “Ôi con trai tôi, hồi đẻ nuôi nó tuyền nước cơm thi thoảng mới có tí sữa bò hộp mà trời thương cứ phổng phao như thế”. Năm 1979, Nguyễn Mạnh Hòa lập công xuất sắc tại Mặt trận biên giới phía Nam nhưng đùi dính mảnh đạn pháo ở trận Puốc-xát được ra Bắc an dưỡng sau đó chuyển về đại đội 2, tiểu đoàn 7 sư đoàn 10 thuộc Quân khu 3 đóng ở Bắc Thái.

Những ngày sau đó, người ta thấy ở cổng UBND thành phố Hà Nội, ở Sở Công an Hà Nội, Công an quận Ba Đình, Viện kiểm sát tối cao Hà Nội và cả một số cơ quan, có cả tòa báo nữa… một bà già khuôn mặt võ vàng hốc hác đội khăn tang trong túi đựng đơn từ có bỏ một chiếc bánh mì một chai nước sôi để nguội lang thang vật vờ chờ bằng được người cần gặp. Có người vỗ về an ủi… “Thôi bà ơi, dù sao con bà cũng chết rồi… còn làm gì được nữa…”. “Không, con tôi chết nhưng tôi phải làm rõ cái chết của nó, phải đưa những kẻ bắt oan con tôi ra tòa”. “Chết… chết, bà nói thế nào ấy chứ, làm sao đưa cái ông trưởng công an quận, người ký giấy ra lệnh bắt con bà khi ký giấy ông ấy mới đại uý nay (1982) đã là trung tá rồi”. Bà gào khóc “Con ơi là con ơi, kẻ đó có là tá là tướng nhưng gây cho con oan sai khiến con chết oan thì cũng phải ra tòa thì vong linh con mới được thỏa…”.

Những ngày lang thang dật dờ ấy không phải lúc nào bà cũng gặp những ánh mắt ghẻ lạnh, xa lánh. Trong cái thành phố mênh mông, nhung nhúc những người này hóa ra vẫn có nhiều người đồng cảm với nỗi đau của bà. Chị Thu ở Viện kiểm sát Hà Nội khéo léo tới gặp Công an quận Ba Đình kiểm tra lại. Ngoài việc phát hiện ra ba lần thay đổi tội danh cho Nguyễn Mạnh Hòa, chị còn tìm thấy trong sổ bắt từ năm 1980, cả năm 1981, cả năm 1982 nữa đều không có tên Nguyễn Mạnh Hòa!

Rồi không rõ có sự chuyển động nào hay nước mắt của người mẹ đau khổ đem theo cái chết oan khốc của con trai đi kêu các cửa đã thấu đến trời đất mà Sở Công an Hà Nội đã có kết luận chính thức rằng, con trai bà bị oan!

*

Gió lạnh quất ù ù thốc vào lòng chiếc com-măng-ca trống hoác. Không quen đi xe nên bà chẳng mấy chốc đã nôn thốc cả mật xanh, mật vàng. Nhưng bà vẫn cố tỉnh táo nói chuyện với chú Hải lái xe “Chú ơi, đi bốc mộ như thế này chú có kiêng không?”. Người lái xe cười: “Không bác ạ. Bác cứ yên tâm”. Còn đội trưởng T. chỉ ừ hữ không nói gì và lặng lẽ nâng cái can rượu trắng mà Sở cho để rửa xương cốt cho con trai bà thi thoảng lại ực một ngụm trước con mắt ngạc nhiên của bà nhưng bà ngại không dám hỏi, dám ngăn. Bà biết nhỡ có gì trục trặc biết xoay sở ra sao giữa đồng không mông quạnh ở đồng đất nước người? Cho tới khi xe đến phà Rùng bắt đầu vào địa phận huyện Con Cuông thì can rượu trắng ba lít đã sạch bách. Xuống xe đợi phà thì bà đã rũ như một tàu lá héo nằm xệp một chỗ.

Trời đổi tối, mưa lâm râm. Phà lại hỏng. Cả tốp phải ngủ đỗ qua đêm. Sáng hôm sau bà vẫn bải hoải rã rời. Phà vẫn hỏng. Đội trưởng T. nói với bà cứ nghỉ lại đây với xe. Số còn lại sẽ vào trại đưa cốt con bà ra chứ bà đang lử lả thế này đi theo lẵng nhẵng lắm, nhỡ ra trục trặc ốm đau sẽ ảnh hưởng đến thời gian công tác, ở nhà còn nhiều việc quá (?!).

Nhưng bà đâu có chịu. Bao nhiêu công sức để có được cái ngày hôm nay dễ chi bà để người khác đụng tới xương cốt con trai. Nhưng bà ngoài miệng vờ đồng ý với quyết định của đội trưởng T. nhưng bụng thầm quyết dù có vào muộn cũng phải cố lết theo. May phúc làm sao hình như vong linh con trai phù hộ, khi cả tốp đã lên đường được một lúc lâu, bà đi hỏi suốt dọc hàng quán bên này phà có một người đã đồng ý chở bà ra Trại 6 bằng xe đạp với gía 400 đồng (khi đó một bát phở ngon cũng chỉ 5-7 đồng). Số tiền này bà dắt theo do bán đôi lợn ở nhà trước lúc đi được hơn 500 đồng. Hơn hai chục cây số lúc ngồi lúc dắt vì đường xấu, bà tới được trại cũng đúng tầm kẻng làm chiều. Mưa vẫn lắc thắc cộng với buốt giá miền Tây Nghệ An khiến trời bỗng chốc như sập tối đến nơi.

Xem thêm: Tôn Thọ Tuấn Kiệt – The Face Vietnam (Season 3)

… Làm xong thủ tục nhận mộ, bà như sụp hẳn xuống một nấm đất cỏ tranh bám dày áy vàng. Hòa ơi, con đây ư, thằng con trai mạnh mẽ xởi lởi của mẹ. Bặt hẳn con từ cái buổi chiều bát mì chưa kịp húp miếng nào… Tiếng nức nở của người mẹ chừng như cũng làm cho những nhát xẻng của tốp phạm nhân bốc mộ đêm ngập ngừng. Họ nhẹ nhàng dắt bà cụ ra chỗ khác. Nhưng bà vẫn ngồi đăm đắm cho tới lúc đáy huyệt lộ ra. Hòa ơi, mẹ không tin vào sự giải thích của người ta rằng con bị kiến lỵ mà chết. Con khỏe mạnh lại không phải là tạp ăn tạp uống… Đành một nhẽ cơm tù… Cái trại giam số 6 Nghi Kim mà sau này bà biết được trong “Người vô danh” có đầy rẫy những đầu gấu hung tợn, bặm trợn…

Đám phạm nhân đã đặt tay lên cốt. Can rượu trắng ba lít đội trưởng T. đã uống hết lấy gì để rửa cốt đây? Anh Thìn hàng xóm ngạc nhiên khi thấy bà thò ra một chai “sáu lăm” rượu trắng “Anh em làm một hớp cho ấm bụng. Số còn lại rửa cốt cho cháu”. Thì ra bà đã phòng sẵn từ Hà Nội chai rượu này. Tốp phạm từ tốn mỗi người một ngụm. Rồi cũng từ tốn họ nhặt xương rửa bằng rượu lẫn nước thơm lấy giấy bản lau sạch gói vào giấy trang kim hẳn hoi. Xong đâu đó họ cẩn thận đặt thứ tự vào cái túi du lịch anh hàng xóm Thìn mang theo từ nhà. Vì phải đi bộ nên tiểu sành đành để lại xe bên phà Rùng.

Xong xuôi mọi việc thì trời đã nhá nhem mặc dù mới hơn 5 giờ. Không thể cuốc bộ ra phà Rùng thời điểm này nên đội trưởng T. cho phép nghỉ lại trại 6 qua đêm. Đội trưởng T. và Hùng ngủ trên chỗ giám thị Ich. Bà, anh Thìn ở lại căn phòng ba giường cách trại khá xa dành cho nơi gặp gỡ người nhà phạm nhân. Đêm sập xuống rất nhanh. Chiếc túi du lịch đựng hài cốt để giường giữa bà và anh Thìn ở hai bên. Chao ơi, xứ này sao lắm đom đóm mà lại to đến thế. Con nào con nấy rõ ra bằng con ong cứ xanh lét lập lòe tràn vào khắp nhà. Hai chị em thắp rõ nhiều hương cho đỡ lạnh phần nữa để xua lũ đom đóm nhưng vô hiệu. Những đốm hương đỏ lừ trong đêm đen càng làm tôn thứ lân tinh xanh lẹt của lũ đom đóm. Lũ chuột khoái chí chạy rinh rích. Nhiều con táo tợn trèo cả lên chiếc túi đựng hài cốt. Cơ mầu này chúng khoét thủng túi đến nơi. Giá như có cái đèn dầu nhỉ… Hai người bàn với nhau. Anh Thìn nói bà ở lại trông cốt phòng chuột để anh đi hỏi mượn đèn nhưng bà ở lại một mình sợ lắm. Thôi hai chị em đành đem chiếc túi theo vậy. Sau một hồi năn nỉ thì hai người cũng mượn được chiếc đèn dầu và hai tấm chăn rách. Quàng trên vai chiếc chăn rách ngồi ôm lấy chiếc túi, hai chị em thay nhau thắp hương. Có lẽ chưa bao giờ trong cuộc đời bà thấy cái đêm hôm đó lại dằng dặc lê thế đến thế…

Sáng hôm sau may bám nhờ xe của giám thị Ích, cả tốp cũng tới được bến phà Rùng qua đò rồi lên xe. Đường xá thuở đó đâu có bằng phẳng xuôn sẻ như bây giờ. Nhưng chiếc túi vẫn khư khư trong lòng bà.

Đang chập chờn cơn say xe nửa tỉnh nửa mê nhưng bà cũng nhận ra âm thanh “khặc, khặc” một hồi. Chiếc xe khựng lại. Đội trưởng T. lay lay vai bà nói khẽ “Bà nên bồi dưỡng cho lái xe đi không thì nằm đường đấy..’’

Bà lảo đảo xuống xe đến bên cậu Hải đang lúi húi gì đó ở đầu xe. Đây là đâu hả chú? “Dạ Phủ Lý bà ạ” Cậu Hải ghé vào tai bà nói khẽ : “Bác ơi, bác cứ yên tâm đừng nghe ai cả. Cháu chỉ sửa một tí là xong ấy mà”. Quả nhiên lát sau xe lại chạy. Thế mà về tới Giáp Bát cũng đã hơn 11 giờ đêm.

Đội trưởng T. nói với bà rằng bây giờ bà nên cho con trai về thăm nhà hoặc xuống chỗ cổng nhà máy. Sao lạ vậy, khi đi lãnh đạo Sở đã nói là cho đưa con trai bà về Ninh Hiệp, Gia Lâm rồi cơ mà với lại ai lại mang hài cốt vào nhà bao giờ?

Bao nhiêu là những bực bõ tủi hờn bỗng đâu ập đến… Nhưng bà vẫn rành rọt: “Anh cứ đưa tôi và cháu về trước cổng Sở công an thành phố. Ở đó đèn sáng tôi không ngại”. Đội trưởng T. im lặng đành bảo cậu Hải đánh xe về Ninh Hiệp, quê nội của bà.

****

Những dòng trên đây tôi nhặt nhạnh lại lối gần hai mươi năm của cuộc đời người đàn bà xuất hiện ở phòng thường trực Tòa báo Tiền Phong mùa đông năm 1980.

… Căn nhà lá ở khu tập thể nhà máy đồ hộp đã được sửa chữa thành một căn phòng con con có cái gác xép trông khá gọn mắt. Bà về hưu năm 1990. Cô con gái út đã lấy chồng. Căn bệnh thấp khớp của tuổi già bà cùng chứng cao huyết áp khiến bà đi lại rất khó khăn. Nhưng thi thoảng bà vẫn chạy đi chạy lại với hai đứa cháu ngoại bên làng Cót cách khu tập thể không xa. Căn gác xép là nơi bà hương khói và kinh kệ hàng ngày theo kiểu tu tại gia. Trên bàn thờ là những bát hương cúng tổ tiên và một tấm ảnh lồng trong khung kính lưu lại hình ảnh một anh bộ đội trẻ măng với nét cười cởi mở. Anh con trai Nguyễn Mạnh Hòa của bà.

… Sau khi được bà cho phép, tôi thắp mấy nén hương cầu trời phật tổ tiên phù hộ cho bà. Hai bàn tay đang chắp lại của tôi dường như run rẩy. Hình như cái run rẩy của sự bất lực của sự sợ hãi vô cớ, bầy đàn… Anh Hòa ơi, xin anh tha thứ cho sự bất lực, cho sự sợ hãi của chúng tôi hồi ấy. Lẽ ra bên cạnh công việc của cơ quan có trách nhiệm, chúng tôi những người đang mang cái Thẻ Nhà Báo lại không, đã không “chúng khẩu đồng từ” trước những giọt nước mắt của bà cụ thân sinh ra anh, dẫu biết những cố gắng của mình vị tất khi đó đã xoay chuyển được gì?

“Thôi anh ghi gì vào sổ mà nhiều thế, anh xuống thăm tôi là quý rồi, nói lại những chuyện ấy làm chi cho thêm đau lòng”.

Xem thêm: Bun Cha Phuong Mai, Hai Phong Le Chan, The Shine Hotel Hai Phong, Ngo Quyen District

Lặng phắc trong ngôi nhà vốn đã tĩnh lặng, tôi cố dịch chuyển cái nhìn khỏi mái tóc bạc đang sà thấp xuống những trang kinh…

Nam mô a di đà… Ra khỏi hẻm nhỏ bắt vào phố mà tiếng mõ cùng với âm thanh kinh nhật tụng chiều của người mẹ ấy vẫn lẩn quất sau lưng tôi.