(TNTS) Đám cưới của nhà phê bình văn học Nguyễn Thanh Sơn với diễn viên Hồng Ánh là chuyện của một người nổi tiếng cưới một người nổi tiếng. TNTS chọn phỏng vấn người nổi tiếng chỉ thấy lời mà ít khi thấy mặt, anh Nguyễn Thanh Sơn. Anh cho biết lý do theo đuổi hôn nhân của mình: “… sống một mình dễ hơn nhưng cũng nhanh cằn cỗi hơn, sống có hai người khó hơn nhưng thấy mình lớn lên”.

Bạn đang xem: Nguyễn thanh sơn hồng ánh

Hôm qua gặp anh và Hồng Ánh đi xem phim The curius case of Benjamin Button. Anh và Ánh có trao đổi gì với nhau sau khi xem không?

Trao đổi nhiều đến nỗi mấy lần suýt gây tai nạn giao thông (cười)! “Trường hợp kỳ lạ của Benjamin Button” là một bộ phim làm cho người ta phải suy nghĩ, trò chuyện, thậm chí cảm thấy buồn bã. Với tôi và Ánh, đó là một trong những bộ phim làm cho mình muốn chia sẻ, kích thích sức sáng tạo của mình.

Những cuốn phim, đặc biệt là những phim có Hồng Ánh thủ diễn, đóng vai trò như thế nào trong câu chuyện tình yêu của anh chị?

Nếu tôi nói vai trò đó khá nhỏ bé thì bạn có tin không? Câu chuyện của chúng tôi là một câu chuyện ngoài điện ảnh. Chúng tôi yêu nhau như những người yêu bình thường khác, bắt đầu từ sự cảm mến và những linh cảm rất khó diễn tả bằng lời, trải qua, có thể nói, tất cả các cung bậc có thể có của tình yêu thông thường rồi tiến đến hôn nhân.

Ánh là một diễn viên toàn tâm toàn ý cho các bộ phim mà cô ấy tham gia, toàn tâm toàn ý đến mức trong thời gian đóng phim, ở một mức độ nào đó, cô ấy sống với cuộc sống tình cảm của nhân vật – và trong giai đoạn đó, người yêu, hay giờ đây là chồng – chỉ đóng vai trò thứ hai.

Có lẽ may mắn hơn một số người khác, ngay từ đầu chúng tôi đã cùng chia sẻ một thái độ chung với nghệ thuật – hết sức tôn trọng công việc của người bạn đời. Ánh nói đừng bắt phải lựa chọn giữa Ánh và điện ảnh, vì nếu vậy, chắc chắn Ánh sẽ chọn điện ảnh.

Tôi thấy việc đó hiển nhiên, bởi vì nếu có ai bắt tôi lựa chọn giữa người đó với văn chương, chắc chắn tôi cũng sẽ chọn văn chương. Cả hai chúng tôi đều có những khoảng riêng trong tình cảm dành cho nghệ thuật, và những khoảng riêng đó nuôi dưỡng tình yêu của chúng tôi bền lâu hơn, mới mẻ hơn. Tôi nghĩ vai trò của những cuốn phim mà Ánh tham gia đối với tình yêu của chúng tôi là như vậy.

Nghe nói anh là một fan của Ánh. Fan của cô ấy như là một Hồng Ánh diễn viên hay một Hồng Ánh với tất cả con người cô ấy?

Trong những năm yêu nhau đầu tiên, chúng tôi gọi đùa nhau là “đồng chí” và “tôi” – chúng tôi coi nhau là bạn đời hơn coi nhau như thần tượng. Chúng tôi yêu và sống với nhau đủ lâu để có thể tự hào ở những thành công của nhau, trung thực đủ để thấy những khiếm khuyết trong nhau và kiên nhẫn đủ để giúp nhau hoàn thiện mình.

Tôi yêu Ánh vì tất cả con người cô ấy, và “Hồng Ánh diễn viên” là một phần của con người ấy, một phần tôi rất tự hào và yêu quý, nhưng vẫn không phải là tất cả.

Xin anh hãy nói về Ánh (trong phim, kịch và đời thường) bằng giọng điệu của một nhà phê bình Nguyễn Thanh Sơn?

Khó nhỉ, tôi chưa thử bao giờ đấy nhé. Để thử xem nào, ví dụ thôi nhé: Ở Người đàn bà mộng du, Hồng Ánh đóng đạt nhất ở những cảnh không có thoại (ví dụ như cảnh Phiên múc nước rửa chân cho chị, hay cảnh chị một mình trên chuyến tàu chợ…).

*
 

Ở những cảnh ấy, từ ánh mắt, cử chỉ của Hồng Ánh toát lên thần thái kỳ lạ của một người đang đi trong hiện thực mà lại không thuộc về hiện thực, của một người đang phân vân giữa việc buông thả mình theo ám ảnh nặng nề của quá khứ hay bước chân sang biên giới nhạt nhẽo của thực tại. Đáng tiếc, cái thần thái ấy Hồng Ánh chưa tái hiện được trong những cảnh có thoại hay những đoạn độc thoại nội tâm.

Có cảm giác, Hồng Ánh thăng hoa nhất khi những cảnh quay im lặng buộc chị phải tập trung vào việc sử dụng ngôn ngữ hình thể và thần thái thay cho lời thoại, còn trong những cảnh có thoại, chị đánh mất đi sự tập trung ấy, nên chưa phối hợp được ngôn ngữ cơ thể với lời thoại trong phim…”.

Cảm ơn anh, rất “phê bình” và rất tinh tường! Anh chị đã trải qua một thời kỳ yêu nhau rất dài. Những “dưỡng chất” nào đã nuôi dưỡng tình yêu này để anh chị có thể đi được đến ngày hôm nay và chuyển sang giai đoạn mới – hôn nhân?

Tôi cũng thường tự hỏi mình câu hỏi đó. Bạn thấy đấy, ngay cả Benjamin cũng hỏi Daisy trong phim: “tại sao chẳng có thứ gì trường tồn?” và Daisy an ủi “có những thứ trường tồn chứ”- an ủi cũng hơi yếu ớt phải không? Nếu được trả lời ngắn gọn, có lẽ tôi đã trả lời chúng tôi yêu nhau được lâu vì chúng tôi rất thương nhau.

*
 

Nói dài dòng hơn thì, có lẽ chính cái câu hỏi “tại sao chẳng có thứ gì trường tồn” khiến chúng tôi cẩn trọng hơn trong tình yêu. Chúng tôi không coi khi đã yêu nhau, sống với nhau là “ván đã đóng thuyền”, là không còn cần phải cố gắng gì với nhau nữa.

Một nguyên nhân nữa, có lẽ vì chúng tôi coi trọng cái nghĩa của từ bạn đời: coi nhau như bạn, chia sẻ những suy nghĩ, tình cảm, mơ ước và cùng với người bạn đời của mình thực hiện những mơ ước đó, nhưng đồng thời, không tìm cách xâm phạm vào những khoảng riêng của người kia.

Xem thêm:

Điều gì ở hôn nhân đã khiến anh phải phong cho nó một ngôi vị đáng kể như vậy trong cuộc đời mình – một lần và… một lần nữa?

Tôi không coi hôn nhân như sự ràng buộc, mà là một cam kết chia sẻ. Sống một mình con người dễ trở thành ích kỷ, mọi thứ đều “tại mình”, “do mình” và “vì mình”; còn khi sống với nhau làm gì cũng nghĩ cả cho người khác. Cho nên sống một mình dễ hơn nhưng cũng nhanh cằn cỗi hơn, sống có hai người khó hơn nhưng thấy mình lớn lên. Đáng tiếc là bài học ấy không phải ai cũng học được ở lần đầu tiên…

Lễ cưới của anh chị được tổ chức ở một ngôi chùa. Hình thức này có cùng cảm hứng gì với lễ cưới của đôi DVĐA Lưu Gia Linh – Lương Triều Vỹ (cũng tổ chức ở một ngôi chùa đất Tây Tạng với sự cầu nguyện của rất nhiều nhà sư) hay không?

Ngay từ đầu chúng tôi đã muốn lễ cưới của mình diễn ra thật đơn giản, giản dị và chỉ với sự chứng kiến của những người ruột thịt. Chúng tôi muốn giờ phút chính thức trở thành vợ chồng phải giống như cách chúng tôi muốn mình sẽ hành xử với nhau trong cuộc sống sau này: thân thương nhưng trang nghiêm và đầy tôn trọng. Hơn nữa, Ánh đã quy y tam bảo tại chùa Hoằng Pháp nên khi Ánh nói muốn tổ chức lễ cưới tại chùa, tôi đồng ý ngay. Và chúng tôi đã có một lễ cưới theo đúng cách mà chúng tôi mong muốn.

Thực sự thì lễ cưới lạ đó của anh chị khiến tôi nghĩ đến 1 câu hát trong bài Ra ngõ tụng kinh của Trần Tiến “Mặt trời xanh/hai đứa chúng mình/một ổ rơm ấm/tu thiền Mật Tông” và “Mặt trời xanh/hai đứa chúng mình/một ổ rơm ấm/tụng kinh thánh hiền”. Có trời đất, có đôi ta và có thánh thần – một tình yêu/cuộc sống “tối giản” như vậy đối với anh đã là đủ chưa? Chúng ta nên tham vọng gì thêm cho cuộc mưu cầu hạnh phúc ở cuộc sống này?

Tôi cũng còn “tham, sân, si” lắm, chắc còn lâu mới gần được cuộc sống “tối giản” đó. Hạnh phúc ngoài hoa hồng và âm nhạc chắc vẫn cần thêm một chút bánh mì, và đêm đến khi “mặt trời xanh” đã lặn thì vẫn cần thêm một ngôi nhà với bếp lửa ấm. Với tôi, nếu có thêm một xiên thịt cháy xèo xèo trên bếp cộng thêm một ly bia lớn nữa thì bức tranh tình yêu thật là đầy đủ (cười).

*
 

(Lại cũng nghe nói) tiệc cưới của anh chị thứ bảy này tổ chức ở 1 resort ở Phan Thiết, có 30 khách mời và họ được “trang bị” đồng phục quần soọc áo phông trắng. Đúng thế không? Vì sao là 30 khách và vì sao những khách ấy được chọn mời? 30 thân hữu cho cả hai vợ chồng nổi tiếng với anh là một con số nhiều đủ hay ít?

Bạn lại nghe thông tin “hậu trường” không chính xác rồi (cười). Sau nhiều năm làm việc, chúng tôi muốn có một lễ Tình nhân đáng nhớ, nhân tiện cũng là dịp cám ơn những người bạn thân nhất của cả hai người mà chúng tôi chưa có dịp chia vui. Chúng tôi mong muốn có một đêm vui vẻ và hoàn toàn thoải mái giữa những người bạn thân nhất, đơn giản vậy thôi. Những người bạn đó là những người mà, nói như một nhà văn nào đó, “những người ta không thể thiếu”.

Xem thêm: Nhạc Lâm Khánh Chi – Tiểu Sử Ca Sĩ Lâm Khánh Chi

Một câu hỏi vui, cha của nhạc sĩ Liszt trước khi lâm chung có cảnh báo Liszt: “Hãy chú ý! Đàn bà sẽ lật đổ cả cuộc đời của mày!”. Có ai cảnh báo anh một điều gì trước đàn bà nói chung hay trước Hồng Ánh nói riêng không? (Nếu không là đàn bà, thì điều gì có khả năng “lật đổ” được anh?)

Biết đâu còn một vế khác mà cha của Liszt chưa kịp nói hết với ông thì sao? (cười). Nếu ai cũng răm rắp tuân theo những lời nói sáng suốt, chắc cuộc sống này chỉ toàn là triết gia và các nhà thông thái, còn sẽ rất thiếu các nhà thơ hay các nghệ sĩ. Người cảnh báo tôi về Ánh lại chính là… Ánh! Nhưng tôi xin giữ lại cho mình điều cảnh báo ấy, chỉ nói đơn giản là đôi lúc người ta càng thấy trân trọng cuộc đời chính vì tính không ổn định, có thể bị “lật đổ” khá dễ dàng của nó.